Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ra văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó có quy định xử phạt học sinh vi phạm giao thông: Những trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.
Sau khi các nội dung này được ban hành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Có người phản đối cho rằng, vi phạm giao thông thì xử phạt là nhiệm vụ của CSGT, không liên quan đến ngành giáo dục.
Nhiều học sinh cũng cho rằng biện pháp này “quá mạnh tay”.
Quy định phạt nghỉ học 1 tuần đối với HS-SV vi phạm giao thông đang dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.
VnExpress đã có cuộc trưng cầu ý kiến của học sinh, phụ huynh và các chuyên gia. Trả lời phỏng vấn, Vân An, một học sinh trường THPT chuyên ở Hà Nội cho biết, lượng kiến thức của học sinh cấp 3 rất lớn, nếu nghỉ tận 1 tuần sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến, gây khó khăn trong việc theo kịp bài giảng trên lớp.
Đồng quan điểm với Vân An, Quỳnh Anh (học sinh lớp 12, Hà Nội) chia sẻ, những học sinh vi phạm luật giao thông thường là học sinh hư. Việc buộc thôi học ở nhà vừa không thể quản lý được những học sinh này mà họ còn thấy vui vì “bỗng dưng được nghỉ”. Quỳnh Anh còn đề xuất nên thay hình thức xử phạt khác như lao động công ích, viết bản kiểm điểm sau giờ học, đội mũ bảo hiểm trước cổng…
Quy định này cũng gặp sự phản đối của nhiều phụ huynh. Lý do đơn giản vì ảnh hưởng đến chính họ. Trước hết là việc quản lý khó khăn khi chính cha mẹ cũng còn phải đi làm, không ở nhà 24/24h để quan sát và trông con được.
Không ít những ông bố, bà mẹ khác cũng cho rằng, đình chỉ học là hình thức kỷ luật chưa hợp lý vì khiến học sinh "đã thiếu giáo dục về ý thức giao thông, giờ lại hụt thêm giáo dục về văn hoá".
Các chuyên gia giáo dục cũng có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này. Ông Đoàn Kim Thắng (Viện nghiên cứu Xã hội học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cũng cho rằng phương pháp giáo dục này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về kiến thức của các em. Bởi việc buộc các em học sinh nghỉ học trong vòng 1 tuần là xâm phạm đến các quyền học tập của các em. Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình sẽ cũng sẽ chịu ảnh hưởng, bởi việc nghỉ học 1 tuần khiến các em học sinh không theo kịp các bạn trong lớp, tạo ra lỗ hổng kiến thức.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng, quy định này còn phải xét đến tính khả thi, cần nhận rõ trách nhiệm thuộc của nhà trường, phụ huynh đối với vấn đề này.
Luật sư Hà Trọng Đại, công ty Luật The Light, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định: “Không thể quy chụp tất cả các lỗi của học sinh đều do ý chí chủ quan của học sinh. Việc áp dụng những tình tiết kỷ luật đối với học sinh vi phạm luật giao thông của Sở giáo dục- Đào tạo cần cân nhắc và xem xét lại”.
Trong khi đó, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (ĐH Sư Phạm HN) ủng hộ nhiệt tình quy định này. Bà Hương cho rằng hình phạt đưa ra khá hợp lý, giúp học sinh tự kiểm điểm và răn đe bản thân vì hành vi vi phạm giao thông đã ảnh hưởng tới hạnh kiểm và số buổi học quy định. Ngoài ra, nó còn giúp phụ huynh nhận thức được trách nhiệm trong việc giáo dục con cái.
A.M