“Trashpacker” có nghĩa là “Những người nhặt rác” và ngày 8/3 là ngày của cộng đồng trashpacker toàn cầu trong đó có Trashpacker Team VietNam. Chính Trashpacker Team VietNam đã phát động chương trình nhặt rác trên toàn quốc vào ngày 8/3 với mục tiêu hướng đến là giúp Việt Nam vào Top 3 quốc gia sạch nhất Đông Nam Á.
Ngày 8/3, trong khi khắp cả nước thực hiện chương trình này, thì tại huyện đảo Lý Sơn xa sôi cũng chung tay hưởng ứng. Trước đó, với sự kêu gọi của nhóm Vì Lý Sơn Không Rác Thải Nhựa, nhóm Saigon Compass đã hỗ trợ kêu gọi thêm tình nguyện viên để tham gia chương trình.
Từ ngày 7/3, các tình nguyện viên của nhóm Saigon Compass đã có mặt tại đảo Lý Sơn cho kịp thực hiện chương trình. Vào sáng ngày 8/3, hàng chục người gồm thành viên nhóm Vì Lý Sơn Không Rác Thải Nhựa, nhóm tình nguyện viên của Saigon Compass và thanh niên, người dân trên đảo Lý Sơn, đã tham gia nhặt rác thải nhựa ven biển tại khu vực chùa Hang (thôn Đồng Hộ, xã An Hải).
Bạn trẻ nhặt rác tại khu vực chùa Hang. Ảnh: Xuân Thọ |
Chụp ảnh "check-in" với số lượng rác nhặt được và ký hiệu chữ T - ký hiệu của cộng đồng Trashpacker. Ảnh: Xuân Thọ |
Buổi chiều, nhóm tiếp tục di chuyển sang đảo Bé (xã đảo An Bình) để kết hợp với thanh niên địa phương và hàng chục du khách tham gia nhặt rác ven bãi Tây đảo Bé.
Anh Minh, một người dân đảo Bé, là người kinh làm homestay, cho biết: “Người dân đảo Bé rất vui trước chương trình này và sẽ luôn hưởng ứng tham gia cùng mọi người. Hôm qua, khi mình có đoàn khách, khi nghe kể chương trình thì đoàn khách bày tỏ ý kiến muốn tham gia cùng mọi người và mình đã dẫn đến tham gia”.
Sau đó, khoảng 19g30 tối 8/3, hai bạn đến từ Saigon Compass là Tạ Thị Thùy Trang và Võ Thiên Tâm đã có buổi nói chuyện với một số người dân đảo Bé về tác hại của rác thải nhựa, cách giảm thiểu và nhất là lợi ích của việc hạn chế được rác thải nhựa.
Nhặt rác ven biển bãi Tây đảo Bé vào buổi chiều 8/3. Ảnh: Xuân Thọ |
Nói chuyện với người dân về tác hại của rác thải nhựa. Ảnh: Xuân Thọ |
Tại đêm nói chuyện, 2 bạn đã cho người dân xem một số hình ảnh, clip về tác hại của rác thải nhựa đã ảnh hưởng đến môi trường sống của các loại sinh vật biển, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến cuộc sống con người ra sao.
“Đây là lần đầu tiên tôi thấy trong bụng một con chim đầy rác thải nhựa và nó bị chết do ăn những thứ đó” - một người dân thổ lộ, sau khi coi clip có đoạn các nhà nghiên cứu môi trường mổ bụng 1 con chim chết vì ăn nhiều mảnh nhựa.
Việc nói chuyện diễn ra theo hình thức tương tác giữa các tình nguyện viên và người dân nhằm mang lại hiệu quả cao hơn. Ảnh: Xuân Thọ |
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - người dân đảo Bé cho biết nhờ có cuộc nói chuyện này mà bà biết nhiều hơn về tác hại của rác thải nhựa. Bà Thúy nói mình sẽ hạn chế thải rác thải nhựa, đồng thời kêu gọi nhiều người cùng làm việc đó để giúp đảo xanh hơn, đẹp hơn khi đảo Bé đang phát triển du lịch.
Trong khi đó, 2 bạn Trang và Tâm cho biết sẽ tiếp tục khảo sát để xây dựng và thực hiện thêm nhiều chương trình sau nữa, nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tiến tới hành động giảm thiểu rác thải nhựa.
Xuân Thọ