Nỗ lực của Trung Quốc trong diệt trừ tận gốc COVID-19 đang chịu nhiều sức ép, với việc giới chức hữu quan nước này cảnh báo về “thách thức nghiêm trọng” trong những tháng tới đây khi số ca nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 7/11 cho biết đại lục ghi nhận 74 ca nhiễm trong 24 giờ trước đó, trong đó 50 ca là lây nhiễm cộng đồng.
Làn sóng dịch bệnh mới nhất hiện đã lây ra 31 tỉnh và là đợt bùng phát diện rộng nhất kể từ thời điểm dịch dịch bùng phát ở Vũ Hán hồi năm ngoái. Số liệu cập nhật được đưa ra tại thời điểm Bắc Kinh tuyên bố tiếp tục theo đuổi chiến lược “Không COVID-19” (Zero COVID-19), với các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn ngặt nghèo.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/11 tại Bắc Kinh, ông Wu Liangyou – quan chức cấp cao tại NHC, cho biết Trung Quốc đang đối diện với “thách thức phức tạp và nghiêm trọng trong mùa Đông này và mùa Xuân tới đây” về kiểm soát virus, bởi đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp ở các nước trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.
Đợt dịch khởi phát từ giữa tháng 10 tới nay đã gây ra hơn 1.000 ca nhiễm mới. Xuất hiện nhiều tín hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp siết chặt trong giám sát, khoanh vùng dịch bệnh. Cuối tuần trước, hơn 30.000 khách du lịch đã được lệnh ở nguyên trong công viên Disneyland tại Thượng Hải để làm xét nghiệm diện rộng sau khi xuất hiện một ca nhiễm ở khu vực này một ngày trước đó tại đây. Chính quyền cũng cảnh báo người dân, hộ gia đình cần tích trữ lương thực để đề phòng cho tình huống khẩn cấp.
Chiến lược ZeroCOVID cũng được coi là tác nhân khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ rõ tác động tiêu cực từ biện pháp kiểm soát, phong tỏa đối với chi tiêu dùng, cùng với đó là đà suy yếu trên thị trường bất động sản, tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Giới chuyên gia hiện đặt câu hỏi về khả năng trụ vững của ZeroCOVID trong bối cảnh Trung Quốc gần như là nước duy nhất trên thế giới vận còn theo đuổi cách tiếp cập này. “Cá nhân tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ không mở cửa, nới lỏng trong vòng một năm nữa”, Chen Zhengming, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Oxford nhận định.
Theo ông, thành công trong kiểm soát dịch bệnh tại Trung Quốc vừa qua là không thể phủ nhận và dư luận tại đại lục ủng hộ biện pháp của chính quyền. Tỉ lệ tiêm chủng tại Trung Quốc ở mức cao. Nếu không xuất hiện các ổ dịch mới nghiêm trọng, khả năng để Bắc Kinh từ bỏ ZeroCOVID là không nhiều. Chính quyền sẽ chỉ thay đổi quan điểm về biện pháp chống dịch nếu virus lây lan vượt khỏi tầm kiểm soát.
Yanzhong Huang, chuyên gia cao cấp về y tế tại Hội đồng quan hệ Đối ngoại (CFR) - một tổ chức tư vấn có trụ sở ở New York (Mỹ), nhận định thay đổi theo hướng chấp nhận sống chung với COVID-19 nếu diễn ra sớm nhất cũng phải sau Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào cuối năm 2022. Bắc Kinh sẽ không cho phép và không muốn đối diện với nguy cơ nào trước mốc thời gian này.
George Magnus - chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford cũng có quan điểm tương tự. “Sẽ là một cú sốc lớn nếu như Trung Quốc đưa ra quyết định về từ bỏ ZeroCOVID trước Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 và Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bắc Kinh coi kết quả chống dịch là niềm tự hào và thay đổi về chiến lược có thể bị coi là bước thụt lùi, lúng túng”, ông Magnus nói.
Nhưng nói như vậy không hẳn là mọi chuyện sẽ bất biến. Một đợt bùng phát mạnh trong mùa đông có thể sẽ buộc chính quyền Trung Quốc phải suy tính lại trong vài tuần - Peter Collignon, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư tại Đại học Y thuộc Đại học Quốc gia Australia, nhìn nhận.
“Vấn đề sẽ là thời điểm. Có thể sẽ là vào tháng 1/2022 - khi Trung Quốc cho rằng số ca lây nhiễm nhiều và sẽ phải chuyển sang cách sống chung với COVID-19, kiểm soát dịch bệnh theo hướng hiệu quả nhất” – ông Collignon nói. Chuyên gia người Australia dẫn chứng New Zealand, Australia, Singapore đều từng theo đuổi "Zero COVID-19" như Trung Quốc, nhưng cuối cùng cũng không thể ngăn được lây lan dịch bệnh vào giai đoạn mùa đông.