Hình thức bán vé chợ đen quan các trang mạng là một trong những hình thức phổ biến nhất trong kỳ World Cup lần này.
Tuỳ từng trận đấu, tuỳ mức độ được quan tâm và tuỳ từng thời điểm, vé được chào bán ở các mức giá khác nhau. Giá vé có thể bị đẩy lên rất cao nếu có sự hiện diện của các đội bóng lớn, của các ngôi sao sáng giá, thậm chí cao gấp 4 – 5 lần so với giá gốc, nhưng đến sát giờ bóng lăn, nếu tấm vé đấy chưa được tiêu thụ, giá có thể sẽ hạ xuống còn khoảng gấp đôi so với giá gốc.
Trước trận chung kết tới đây, cơn sốt vé càng nóng hầm hập và dân phe càng tha hồ hét giá. Hôm qua, một CĐV đến từ Ấn Độ có tên Amit than thở với tôi rằng, anh ta vừa phải trả đến 2.700 USD cho một chiếc vé hạng thường của trận chung kết vào ngày 15/7 tới đây.
Trước đó, anh Amit cũng phải bỏ ra số tiền hơn 1.200 USD cho vé xem trận bán kết giữa Croatia và Anh trên sân Luzhniki, hôm 11/7.
“Tất cả mọi giao dịch họ đều tính với tôi bằng USD, đắt kinh khủng, nhưng đã lặn lội sang đây rồi mà không mua vé vào sân thì phí chuyến đi, nên tôi cố phải trả tiền cho họ” – Amit lại than.
Amit là một kỹ sư hoá dầu đến từ Calcutta - Ấn Độ, là một người tạm gọi là có điều kiện. Sai lầm của Amit, theo anh này, đó là không lên kế hoạch và không mua vé ngay từ đầu. Anh ta chỉ đến Nga chừng 3 ngày trước vòng bán kết và tới nơi mới bắt đầu mua vé.
Chính lực lượng CĐV sang Nga một cách bất chợt như thế này là đối tượng tiềm năng để cho dân “phe vé” chào mời, rồi kiếm lợi lớn từ túi tiền của người hâm mộ.
Trước mỗi kỳ World Cup, FIFA đều có những biện pháp khác nhau để chống vé giả và chống hiện tượng đầu cơ phe vé. Tuy nhiên, tính cho đến thời điểm hiện tại, FIFA mới thành công trong việc chống vé giả, chứ gần như bó tay trước nạn vé chợ đen.
Để dự World Cup 2018, các CĐV muốn vào sân bắt buộc phải có thêm tấm thẻ Fan ID. Trình tự để có Fan ID bắt đầu bằng việc đăng ký mua ít nhất 1 chiếc vé bất kỳ, cho một trận đấu bất kỳ của World Cup, qua trang chủ của FIFA, sau đó khai các thông tin cá nhân, rồi nhận tấm thẻ này.
Tấm thẻ này ngoài chuyện được miễn thị thực nhập cảnh vào Nga trong thời gian diễn ra World Cup, còn là một hình thức chống vé chợ đen.
Tuy nhiên, đặt trường hợp CĐV sau khi đã đăng ký vé ở một trận đấu cụ thể rồi, đã có Fan ID rồi, muốn theo dõi tiếp các trận đấu khác ngoài kế hoạch mà không thể mua lại vé gốc từ FIFA thì sao? - Khi đó, họ chỉ còn cách tìm đến thị trường chợ đen.
Vé chợ đen được bày bán công khai trên nhiều trang mạng. Chuyện mua lại vé với giá mắc hay rẻ, đôi khi còn tuỳ thuộc vào… may mắn, tức là dò được trang mạng nào có giá tốt (xét trên mặt bằng chợ đen).
Như anh Amit người Ấn Độ nọ mua vé xem trận chung kết với giá 2.700 USD, trong khi một người khác mà tôi biết hồ hởi khoe rằng anh ta mua vé tương tự chỉ với trên 1.000 USD.
Vé còn được bán ngay trước khuôn viên các sân bóng, trong ngày diễn ra các trận đấu. Hình thức này thì không công khai, nhưng hễ cần là có.
Các CĐV Croatia đang săn tìm vé cho trận Chung kết vào ngày 15/7. |
Tôi bắt gặp không ít trường hợp giơ bảng “Need Ticket” (Cần vé) ở bên ngoài sân Luzhniki. Có cầu ắt có cung, với những CĐV giơ tấm bảng khấn thiết như thế, thường thì không lâu sau đó, sẽ có người tiếp cận họ. Những người này lặng lẽ (vì sợ lực lượng chức năng bắt và xử phạt), nhưng họ sẽ tìm cách tiếp cận những người trên và bắt đầu cho những vụ mặc cả.
Và hình thức mua trực tiếp từ dân phe vé tại sân cũng không hề rẻ. Như đã nói, tuỳ thời điểm mà giá được đẩy lên cao hay… rất cao, nhưng ít nhất cũng phải gấp đôi so với giá gốc (nếu đã quá cận giờ bóng lăn).
Dĩ nhiên, hình thức bán vé chợ đen kiểu vừa nêu không công khai và không chèo kéo khách trắng trợn như vẫn thấy ở một số sân bóng tại Việt Nam, nhưng “vé chợ đen” là tình trạng hầu như không tránh khỏi, vì khó ai cưỡng lại được hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận này (1 lời 2, thậm chí lời gấp 4 – 5 lần, hay cả chục lần)!