Trước việc duy tu, bảo trì cầu Long Biên nhiều năm nay trong tình trạng cầm cự, chấp vá do thiếu kinh phí, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, sau khi có phản ánh của cơ quan báo chí về việc cầu Long Biên xuống cấp, đơn vị đã cho kiểm tra thực trạng cây cầu này.
Theo đó, ông Lê Hoàng Minh cho hay, qua kiểm tra, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông ghi nhận đơn vị quản lý vận hành bảo trì cầu Long Biên trong bối cảnh khó khăn về kinh phí nhưng vẫn đảm bảo việc an toàn chạy tàu và đi lại của người dân. Tuy nhiên, vụ đã yêu cầu các đơn vị quản lý thực hiện ngay việc gia cố lan can cầu, bảo trì, vá ổ gà làm thêm, hoặc có những cảnh báo để người dân biết được thực trạng của cầu.
Về nguồn kinh phí bảo trì, duy tu năm nay chưa được cấp cho đơn vị quản lý cầu Long Biên, ông Lê Hoàng Minh cho hay, sẽ ưu tiên cấp kinh phí cho cầu Long Biên ngay sau khi việc giao dự toán giữa Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được tháo gỡ.
Đi vào cụ thể thực trạng cầu Long Biên, ông Lê Hoàng Minh chia sẻ, đây là cây cầu cũ đã hơn 100 năm tuổi. Đơn vị xây dựng cầu này (Pháp) đã có công văn gửi Chính phủ Việt Nam thông báo cầu Long Biên đã hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được cầu mới nên hiện nay vẫn phải khai thác cầu Long Biên phục vụ việc chạy tàu và đi lại của người dân.
“Để đảm bảo khai thác an toàn, hàng năm, nhà nước vẫn cấp kinh phí duy tu, bảo dưỡng ở mức tối đa trong khả năng nguồn kinh phí được cấp để đảm bảo an toàn chạy tàu, an toàn giao thông”, ông Lê Hoàng Minh chia sẻ.
Riêng phần bề mặt đường dành cho xe mô tô, xe gắn máy và xe thô sơ được phản ánh gồ ghề, rạn nứt gây khó khăn cho người tham gia giao thông, ông Lê Hoàng Minh cho biết, đơn vị quản lý duy tu cầu Long Biên đã thường xuyên sửa chữa duy tu mặt cầu bị hư hỏng để đảm bảo lưu thông êm thuận.
“Tuy nhiên, với kết cầu mặt cầu dành cho phương tiên xe mô tô, xe gắn máy trên cầu Long Biên khá đặc biệt khi trên giàn mặt thép của cầu là những tấm đan bê tông, sau đó mới là lớp bê tông nhựa polyme trên mặt. Nhưng với tác động từ độ rung của tàu chạy và phương tiện di chuyển trên mặt cầu đã làm cho độ liên kết giữa tấm đan bê tông trên giàn thép và mặt cầu ngày cảng giảm dẫn đến rạn nứt và hỏng lớp mặt”, ông Lê Hoàng Minh lý giải.
Ngoài ra, ông Lê Hoàng Minh lý giải thêm, tải trọng cầu Long Biên hiện nay cũng rất yếu nên quá trình thi công thảm bê tông mặt cầu cũng rất khó khăn khi không thảm được dày và không được dùng lu chuyên dụng. Các công nhân phải thi công thủ công mặt cầu dẫn đến độ bền của thảm mặt cầu sẽ không được lâu. Do đó, đơn vị thi công phải thảm bù, thảm dặm liên tục nhưng cũng không thể đáp ứng hết vì thiếu kinh phí.
Do đó, ông Lê Hoàng Minh cho rằng, để sửa chữa, trùng tu cầu Long Biên một cách tổng thể, toàn diện cần nguồn kinh phí lớn. Ví dụ như chỉ việc sơn tổng thể lại toàn bộ cầu Long Biên cũng cần kinh phí lên tới 70 tỷ đồng. Hiện nay việc duy tu, bảo trì cầu Long Biên vẫn đang sử dụng nguồn tiền kinh tế sự nghiệp đường sắt với kinh phí nhỏ giọt nên không thể cải thiện hình ảnh cầu Long Biên được nhiều.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù là cây cầu cũ nhưng cầu Long Biên vẫn đang giữ vài trò giao thông huyết mạch cho người dân di chuyển bằng xe mô tô, xe gắn máy do vị trí thuận tiện.
Đại diện Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý duy tu, bảo trì cầu Long Biên) cho biết, do là cây cầu yếu nên nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã phải lắp biển báo, hạn chế phương tiện tại đường dẫn lên cầu. Tuy nhiên, hàng ngày vào giờ cao điểm cầu Long Biên vẫn phải "cõng" hàng chục nghìn lượt phương tiện qua cầu
Theo đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), qua gần 120 năm khai thác, do ảnh hưởng của chiến tranh và tốc độ đô thị hóa, hiện cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong những năm qua, VNR đã được Bộ Giao thông Vận tải giao triển khai các dự án khôi phục, gia cố sửa chữa, gần đây nhất là dự án “Khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1: Gia cố đảm bảo an toàn cầu phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025”. Sau dự án trên, hàng năm, VNR vẫn ưu tiên kinh phí từ nguồn vốn để bảo dưỡng thường xuyên, khắc phục các hư hỏng nhỏ của cầu Long Biên.
Tuy nhiên, đại diện ngành đường sắt cũng nêu một thực tế, do nguồn kinh phí được cân đối cho hoạt động quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia còn hạn hẹp, vậy nên hiện tại mới đáp ứng được khoảng 36% nhu cầu sửa chữa ở thực tế. Trong số này, phần kinh phí đường sắt đáp ứng được 37,3%, phần đường bộ được 6,1%...
Đề cập đến nguồn kinh phí cho duy tu, sửa chữa trong năm 2021, đại diện VNR cho biết, hiện nay do đơn vị vẫn chưa nhận được nguồn kinh phí khi đang phải chờ cấp có thẩm quyền duyệt chi nên không thể ký hợp đồng đặt hàng với các đơn vị bảo trì, duy tu đường sắt.
Ông Phan Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Kết cấu hạ tầng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trước tình trạng xuống cấp, hư hỏng mặt cầu Long Biên, VNR đã có công điện yêu cầu đơn vị quản lý là Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải có giải pháp trước mắt để khắc phục tạm thời đảm bảo giao thông.
Cụ thể, đối với toàn bộ hư hỏng nhỏ đơn vị này cần kiểm tra, đưa vào kế hoạch bảo trì 2021 và sẽ triển khai ngay khi được cấp có thẩm quyền giải ngân dự toán.
Sau nhiều năm sử dụng cầu Long Biên đã xuống cấp, xập xệ |
“Với một số hư hỏng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông trên cầu, Tổng công ty đã yêu cầu đơn vị quản lý dùng kinh phí của doanh nghiệp để ưu tiên khắc phục; đồng thời, bố trí biển cảnh báo ở hai đầu đường lên cầu. Tuy nhiên, do khả năng tài chính của đơn vị duy tu, bảo trì có hạn nên việc khắc phục sự cố còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn”, ông Dũng chia sẻ.
Về giải pháp lâu dài, ông Phan Tiến Dũng cho biết, cần có dự án sửa chữa lớn theo hình thức đại tu để thay thế các thanh, dầm sắt, lan can và bản thép chịu lực đang bị hư hỏng. Để làm được việc này, ngoài nhu cầu vốn hằng năm được cấp đủ, phải lập dự án riêng để sửa chữa cầu Long Biên theo hình thức đại tu như năm 2015.
Cùng với đó, trong 5 đến 10 năm tới, đề nghị cấp có thẩm quyền đẩy nhanh thi công các công trình, như dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), tiếp tục xây dựng thêm cầu vượt sông Hồng để giảm tải lưu lượng tàu, phương tiện qua cầu Long Biên.
Trước đó, nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh việc mặt cầu Long Biên bị rách, thủng, ổ gà ở nhiều vị trí, khiến người điều khiển phương tiện trên cầu có thể nhìn thấy nước sông bên dưới; cùng với đó toàn bộ khung, giàn thép chịu tải và bảo vệ an toàn cầu chuyển màu ố vàng, hoen gỉ do lâu ngày chưa được sơn, sửa