Khi đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, câu hỏi về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đã thu hút sự chú ý của giới khoa học.
Để xác định nguồn gốc của một loại virus chưa từng được biết tới, các nhà khoa học cần xác định mầm bệnh hay nguồn gây bệnh và loài động vật mang mầm bệnh đó, được gọi là vật chủ tự nhiên của virus, Zhao Guoping - một học giả tại Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết.
Từ khi dịch SARS bùng phát năm 2003, các nhà khoa học toàn cầu đã nỗ lực không ngừng để truy tìm nguồn gốc của nó. Họ xác định được SARS-CoV là virus gây bệnh. Nhưng phải tới năm 2015, tức là 13 năm sau, vật chủ tự nhiên của SARS-CoV là Rhinolophus sinicus (một loài dơi thuộc họ Dơi lá mũi - ND) mới được tiết lộ.
Dù vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi cần được trả lời trong dịch bệnh này. Đó là liệu Rhinolophus sinicus có phải là vật chủ tự nhiên duy nhất của SARS-CoV hay không và virus này đã thay đổi như thế nào khi gặp vật chủ trung gian là cầy hương?
Theo dõi nguồn gốc virus gây bệnh sẽ cung cấp cho các nhà nghiên cứu những bằng chứng khoa học, trong đó bao gồm bằng chứng sinh học và sinh học phân tử.
Các nhà khoa học cần xác định mối liên kết giữa 2 bằng chứng này, vốn không phải công việc dễ dàng, để xác nhận những phát hiện đã được tìm ra trước khi đưa ra những khẳng định cuối cùng.
Cuộc điều tra dịch tễ học về nguồn gốc của một căn bệnh truyền nhiễm thường bắt đầu từ lịch sử tiếp xúc của người mắc bệnh đầu tiên, hay còn gọi là "bệnh nhân số 0".
Trên thực tế, việc tìm ra bệnh nhân số 0 mắc Covid-19 là một công việc thách thức khi liên quan đến một lượng lớn dữ liệu phức tạp và những ca mắc bệnh đầu tiên có thể là những người tiền triệu chứng không được ghi trong hồ sơ y tế, Liu Peipei - một chuyên gia tại Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc cho biết.
Jin Qi, người đứng đầu Viện Y Sinh thuộc Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc cho biết từ đại dịch cúm năm 1918 đến đại dịch AIDS hay cúm H1N1 năm 2009, các bệnh nhân số 0 vẫn chưa được tìm ra.
Virus SARS-CoV-2 đã lan rộng khắp thế giới từ cuối năm 2019 và "các bệnh nhân số 0" đơn lẻ đều chưa được tìm ra ở hầu hết các quốc gia, nghiên cứu gần đây của Viện Di truyền học Cao đẳng Hoàng gia London cho biết.
Các bằng chứng sinh học phân tử cũng rất khó để phát hiện. Các loại virus rất "khôn ngoan", đặc biệt là những loại mà bộ gen của chúng được tạo thành từ ARN thay vì ADN. Chúng biến chủng nhiều hơn và nhanh hơn.
Chuyên gia Zhao cho biết virus corona là một virus ARN, một loại virus rất "khôn ngoan". Bộ gen của chúng có kích cỡ lớn hơn bộ gen của virus HIV tới 3 lần, trong khi các biến chủng bao gồm cả sự loại bỏ lẫn tái kết hợp đều dễ xảy ra hơn.
Trong quá trình truyền bệnh "xuyên loài", virus SARS-CoV-2 sẽ "tích lũy" các biến chủng để thích nghi trên cơ thể con người, vật chủ mới của nó và từ đó lây nhiễm từ người sang người, Zhao nhận định.
Nhà nghiên cứu này cũng đề cập đến việc hầu hết các biến chủng ở giai đoạn đầu không thể hiện rõ ràng ở những người mắc bệnh, do đó bằng chứng quan trọng này rất khó để thu thập.
Đó là lý do tại sao nguồn gốc dịch Covid-19 vẫn là một bí ẩn bất chấp nỗ lực của nhiều nhà khoa học trên thế giới.
Cuộc hành trình tìm kiếm nguồn gốc gây bệnh của nhiều dịch bệnh trong lịch sử nhân loại, chẳng hạn như AIDS và SARS vẫn chưa bao giờ dừng lại và vẫn còn rất nhiều điều chúng ta không chắc chắn về chúng do mức độ phức tạp của các dịch bệnh này, Zhao đánh giá.
"Một số bằng chứng, nếu đã mất đi có thể sẽ không bao giờ tìm lại được và một số sự thật có lẽ sẽ không bao giờ được hé lộ cho dù chúng ta nghiên cứu trong một thời gian dài", chuyên gia này cho hay, đồng thời nhận định rằng mọi người nên đặt những mong đợi phù hợp vào các kết quả nghiên cứu về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2./.