'Vỡ kế hoạch' mùa COVID-19

'Vỡ kế hoạch' mùa COVID-19

“Giãn cách xã hội, phong tỏa khu dân cư, ở nhà, mất việc thì chỉ có… đẻ” - tưởng chỉ là câu nói đùa nhưng đây lại đang là thực tế đang diễn ra ở nhiều quốc gia châu Á. Nhiều chuyên gia dự đoán sẽ xảy ra một đợt bùng nổ dân số thế giới vào năm tới - điều này có thể đảo ngược mọi bước tiến trong chiến lược phát triển bền vững về dân số, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.

___________________

'Vỡ kế hoạch' mùa COVID-19 ảnh 1

Chuẩn bị đến trung tâm y tế địa phương cách nhà 3 kilomet, chị Stella Marie Alipoon sinh sống tại thị trấn Caloocan, cách khoảng 8 km về phía bắc thủ đô Manila, Philippines, luôn mang theo một chai nước nhỏ cho mình và một túi thuốc, bao gồm bao cao su và thuốc tiêm tránh thai, phân phát cho những người mà cô chuẩn bị ghé qua. Đây là một hoạt động diễn ra hàng ngày của nữ y tá này kể từ giữa tháng 3 vừa qua, khi chính phủ tuyên bố phong tỏa đất nước để hạn chế sự lây lan của virus. Các doanh nghiệp và cơ sở thương mại ngừng hoạt động, mọi hình thức giao thông công cộng bị đình chỉ và các hàng rào chắn được lập lên với sự kiểm soát chặt chẽ của cảnh sát. Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus cũng khiến nhiều phụ nữ địa phương không được tiếp cận với các dịch vụ và sản phẩm ngừa thai.

Alipoon cho biết: “Nhiều phụ nữ tìm thấy tôi trên Facebook và nhắn tin hỏi tôi làm thế nào để tiếp cận các biện pháp phòng tránh thai. Nhiều người không đến phòng khám vì các phương tiện giao thông công cộng không hoạt động hoặc không có tiền mua vé. Một số phòng khám đóng cửa, trong khi đó nhiều người không muốn mạo hiểm ra ngoài vì lo sợ nguy cơ lây nhiễm”

Vì nhiều phụ nữ không thể đến phòng khám, Alipoon luôn mang các sản phẩm phòng tránh thai theo mình để mỗi khi gặp họ trên đường đi làm phân phát miễn phí. Alipoon thậm chí còn phải mang các sản phẩm này đến tận gia đình của nhiều phụ nữ, với hi vọng họ có thể đủ thuốc tránh thai trong vòng từ 2 đến 3 tháng. Alipoon nói: “Nhiều phụ nữ tuyệt vọng trong việc kiểm soát sinh sản. Chồng của họ ở nhà suốt ngày vì phong tỏa và điều này đã dẫn đến nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn”.

'Vỡ kế hoạch' mùa COVID-19 ảnh 2


Tôi không biết mình có thể sinh con an toàn ở đâu. Có hai bệnh viện phù hợp nhưng tôi không dám sinh ở đó vì đã có ca mắc COVID-19. Trong khi một phòng khám có giá khoảng 11.000 peso Philippine (khoảng 220 USD) mà tôi lại không có tiền.

Mildred Jamandron

Khó khăn khi phải nuôi 2 đứa con, một đứa 18 tháng tuổi và một đứa 6 tháng tuổi, chị Dimples Ortiz ở Manila bày tỏ lo lắng khi việc mang thai ngoài ý muốn có thể khiến cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn hơn. Chồng chị làm ngành xây dựng và thất nghiệp từ tháng 3 do dịch COVID. Trong lúc tuyệt vọng, chị đã tìm đến Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Likhaan để được hỗ trợ cấy que tránh thai miễn phí. Có nhiều trung tâm y tế hỗ trợ miễn phí cho phụ nữ ở Manila, nhưng ở một số khu vực bị phong tỏa nghiêm ngặt, người dân chỉ có thể ra ngoài vào một số ngày nhất định và chỉ vào những thời điểm cụ thể. Theo cô Diane Vere làm việc tại trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ Likhaan, “phụ nữ phải lựa chọn cách sử dụng quỹ thời gian eo hẹp của mình. Họ đi chợ, đi nhận trợ cấp xã hội từ chính phủ hay đến phòng khám vì nhu cầu kế hoạch hóa gia đình? Mỗi hoạt động có thể phải xếp hàng dài, chờ đợi nhiều giờ liền nên việc đến phòng khám sẽ là ưu tiên sau cùng”.

Tại Philippines, các biện pháp phong tỏa, hệ thống y tế quá tải do COVID-19 và thiếu nhân viên y tế có thể khiến hơn 5 triệu phụ nữ có khả năng bị gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Các chuyên gia y tế ước tính có hơn 1,8 triệu ca mang thai ngoài ý muốn tại Philippines trong năm nay, trong khi Viện Dân số Đại học Philippines (UPPI) dự đoán về khả năng bùng nổ dân số với thêm 751.000 ca mang thai ngoài ý muốn nếu các biện pháp kiểm soát dịch kéo dài đến cuối năm. Năm 2021 sẽ là năm có số ca sinh cao nhất ở Philippines trong 2 thập kỷ qua. Ủy ban Dân số và Phát triển (POPCOM) Philippines cho biết, các trung tâm y tế nhà nước chứng kiến sự sụt giảm 50% số người sử dụng dịch vụ kể từ tháng 3, chủ yếu do dừng các hoạt động phương tiện giao thông công cộng, nhân viên y tế hạn chế và giảm giờ khám bệnh. Giới chức y tế nước này đang phải “vào cuộc” để ngăn một cuộc khủng hoảng do mang thai ngoài ý muốn lên hệ thống y tế vốn đã quá tải vì COVID-19.

'Vỡ kế hoạch' mùa COVID-19 ảnh 3

Phụ nữ đang phải chịu gánh nặng gấp đôi nam giới do đại dịch. Một mặt họ lo sợ “vỡ kế hoạch” mùa COVID-19 khi không có đủ các sản phẩm tránh thai cần thiết, mặt khác họ lo sợ mang thai trong mùa dịch sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thăm khám cũng như tạo thêm gánh nặng kinh tế gia đình vốn đã khó khăn do đại dịch. Giới chuyên gia cảnh báo, tại các nước nghèo, những vùng sâu vùng xa còn khó khăn, đại dịch là “thời điểm tồi tệ” để phụ nữ mang thai do nhiều người không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp và đầy đủ, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn.

Trong khu ổ chuột ở Baseco, Manila, nơi Mildred Jamandron, 24 tuổi sinh sống, các biện pháp phong tỏa khiến cô lo sợ thực sự. Ở nhà nội trợ khi đang mang thai gần cuối thai kỳ và sống dựa vào chồng làm nghề đi biển, cuộc sống của cô rất khó khăn. Cô chia sẻ: “Tôi không biết mình có thể sinh con an toàn ở đâu. Có hai bệnh viện phù hợp nhưng tôi không dám sinh ở đó vì đã có ca mắc COVID-19. Trong khi một phòng khám có giá khoảng 11.000 peso Philippine (khoảng 220 USD) mà tôi lại không có tiền”. Điều may mắn đã đến khi cô liên hệ được với Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Likhaan. Các nhân viên y tế cộng đồng Likhaan đã điều động xe cấp cứu đến đón và giúp cô sinh nở an toàn.

'Vỡ kế hoạch' mùa COVID-19 ảnh 4

Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Likhaan là cứu cánh cho nhiều phụ nữ nghèo trong mùa đại dịch. Họ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho phụ nữ nghèo, thậm chí sau sinh, các nhân viên y tế còn đến tận nhà kiểm tra sức khỏe và cung cấp thông tin kế hoạch hóa gia đình để các bà mẹ sớm có biện pháp bảo vệ sức khỏe, tránh mang thai ngoài ý muốn. Jeanery Parane là một trong những người đang được Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Likhaan chăm sóc. 14 tuổi và đang mang thai tháng thứ 7, Jeanery Parane chưa được khám thai lần nào. Xấu hổ vì mang thai ngoài ý muốn cùng dịch bệnh phong tỏa khiến cô bé 14 tuổi không dám ra khỏi nhà nhiều lần. Cô cho biết đã cố gắng đến gặp bác sĩ hai lần. Một lần, phòng khám đóng cửa, và lần khác, không có bác sĩ. Sau đó cô nghe tin một số phòng khám yêu cầu kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm Covid trước khi cho bệnh nhân vào, nên cô cũng ngại không đi.

Nghiên cứu chung của UPPI- Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) chỉ ra rằng, khoảng 18.000 trẻ em gái vị thành niên Philippines có thể mang thai vào cuối năm nay do dịch COVID-19. Ngay trước đại dịch, vấn đề mang thai tuổi vị thành niên ở Philippines đã là vấn đề khẩn cấp quốc gia. Dịch COVID càng làm tình hình trầm trọng hơn, khi các biện pháp phong tỏa khiến nhiều học sinh không đến trường; không được tiếp cận với thông tin và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, dẫn đến việc nhiều bé gái mang thai ngoài ý muốn. Điều này gây tổn hại tâm lý cho các “bà mẹ nhí” và các hậu quả lâu dài khác, như tình trạng chậm phát triển ở trẻ sơ sinh tại các gia đình nghèo. Nghiêm trọng hơn, nhiều phụ nữ mang thai ngoài ý muốn sẽ tìm đến phá thai và đối mặt với nguy cơ tử vong.

Trong nỗ lực giúp phụ nữ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản dễ dàng hơn, Bộ Y tế Philippines đã khởi động chiến dịch “Kế hoạch hóa gia đình trên những bánh xe”, một chương trình mà các nhân viên y tế chủ động đến thăm, khám tại các khu dân cư, cung cấp những biện pháp phòng tránh thai miễn phí trong vòng ít nhất 3 tháng. Giới chức y tế Philippines kêu gọi người dân hãy làm điều tốt nhất để tránh gia tăng các con số mang thai ngoài ý muốn, đồng thời khẳng định những phòng khám, trung tâm y tế luôn mở cửa để cung cấp các biện pháp phòng tránh thai cho người dân. Ngoài ra, các đường dây nóng điện thoại cũng được thiết lập để tư vấn y tế từ xa cho phụ nữ và trẻ em gái trong thời kỳ dịch bệnh.

'Vỡ kế hoạch' mùa COVID-19 ảnh 5

Không chỉ tại Philippines, một nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho thấy, nếu phong tỏa liên tục trong 6 tháng gây gián đoạn các dịch vụ y tế cũng như các chuỗi cung ứng toàn cầu, khoảng 47 triệu phụ nữ ở các nước thu nhập thấp và trung bình có khả năng không thể tiếp cận các biện pháp tránh thai, dẫn đến 7 triệu ca mang thai ngoài ý muốn. UNFPA cũng ước tính có 31 triệu trường hợp bạo lực giới mà nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn nữa, sự gián đoạn các chương trình dân số của UNFPA còn có nguy cơ dẫn đến 2 triệu trường hợp trẻ em gái, phần lớn ở các nước châu Phi nghèo đói, bị cắt bỏ bộ phận sinh dục và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, mà đáng ra có thể được ngăn chặn. Đại dịch cũng đang tấn công mạnh vào các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, làm gia tăng sự bất bình đẳng và đe dọa đẩy lùi các nỗ lực “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong chiến lược phát triển bền vững về dân số.

'Vỡ kế hoạch' mùa COVID-19 ảnh 6

Dựa trên các khảo sát ở nhiều quốc gia về cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái trong đại dịch, nhóm chuyên gia cho biết, thách thức lớn nhất mà nhóm này đối mặt trong thời kỳ dịch bệnh là:

Các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản bị đóng cửa hoặc hạn chế thời gian hoạt động; các hoạt động đi lại bị giới hạn như phong tỏa, giới nghiêm; chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và thiếu các thông tin, hướng dẫn y tế. Nhóm phụ nữ nghèo, dễ bị tổn thương như người di cư, người tị nạn, công nhân làm việc tạm thời sẽ bị tác động nhiều nhất, khi họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế cơ bản. Phong tỏa cũng làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình bao gồm bạo lực tình dục nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái. Theo UNFPA, đại dịch đang làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng và hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn cũng như cơ hội để bảo vệ cơ thể và sức khỏe của mình.

Đây chưa phải là những con số cuối cùng bởi dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Các tác động về kinh tế, hệ thống y tế và phúc lợi xã hội đối với phụ nữ sẽ tiếp tục tăng lên, có thể đảo ngược những tiến bộ của thế giới gần đây trong việc đảm bảo một hệ thống y tế toàn diện và hiệu quả cũng như xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới. Tình trạng gia tăng dân số thiếu bền vững cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống con người, tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về chính sách chống dịch COVID-19 quốc gia phải bao gồm ưu tiên kế hoạch hóa gia đình, trong đó đảm bảo quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong đại dịch.

Bài: Anh Đức

Thiết kế: Mẫn San

TIN LIÊN QUAN
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
Tình anh em Cuba - Việt Nam trường tồn theo theo thời gian
(Ngày Nay) - Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba Esteban Lazo Hernández tới Việt Nam là sự khẳng định ý chí của La Habana trong việc làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác song phương trên cơ sở mối quan hệ lịch sử anh em gắn kết nhân dân hai nước.
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ
(Ngày Nay) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành và toàn diện cho khu vực phía Nam của tỉnh.
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
Hello Kitty thu về 4 tỷ USD/năm
(Ngày Nay) - Theo tờ Economist, Sanrio, công ty Nhật Bản sở hữu Hello Kitty, kiếm được gần 4 tỷ USD doanh thu từ Hello Kitty mỗi năm. Nhân vật này ước tính đã mang lại cho người tạo ra mình 80 tỷ USD trong 50 năm qua.
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
Liên hợp quốc cảnh báo "ngày tận thế" ở Bắc Gaza
(Ngày Nay) - Ngày 1/11, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình Lương thực thế giới (FAO) cùng các nhóm cứu trợ khác, đã lên tiếng cảnh báo tình hình ở phía Bắc Dải Gaza đang ở mức "thảm họa" do xung đột leo thang.
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
Một đảo ở Bắc Cực biến mất
(Ngày Nay) - Ngày 31/10, Hiệp hội địa lý LB Nga thông báo hòn đảo Mesyatsev đã biến mất khỏi quần đảo Franz Josef của Nga ở Bắc Cực.
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
Lan tỏa nghệ thuật hát bội trong cộng đồng
(Ngày Nay) - Là thế hệ thứ 3 trong gia đình có 5 thế hệ theo nghề hát bội, Nghệ nhân Ưu tú Vũ Linh Tâm (tên thật là Nguyễn Văn Tốt, 66 tuổi) đã có hơn 50 năm gắn bó với ánh đèn sân khấu và nghệ thuật hát bội.