Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã có năm 2022 thành công khi doanh thu và lợi nhuận cùng tăng mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu tăng từ 3.610 tỷ đồng lên 6.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng từ 358 tỷ đồng lên 969 tỷ đồng.
Thế nhưng, Vinaconex đang đối diện với vấn đề lớn. Đó là tiền mặt sụt giảm mạnh và nợ xấu “leo thang”.
Tại thời điểm ngày 30/9/2022, tiền và các khoản tương đương tiền của Vinaconex chỉ còn 911 tỷ đồng, giảm 1.901 tỷ đồng, tương đương 67,6% so với hồi cuối năm 2021; các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm từ 3.870 tỷ đồng xuống 1.917 tỷ đồng.
Tiền mặt giảm nhưng các khoản phải thu ngắn hạn ở mức rất cao, lên đến 10.282 tỷ đồng, chiếm 33,2% tổng tài sản Vinaconex. Trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn tăng từ 894 tỷ đồng lên 1.176 tỷ đồng. Đồng thời, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 1.153 tỷ đồng.
Dự phòng tại Vinaconex rất cao khi mà nợ xấu tăng vọt. Hồi cuối quý 3/2022, nợ xấu của Vinaconex đạt 2.145 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 2.093 tỷ đồng hồi đầu năm. Giá trị có thể thu hồi được là 991 tỷ đồng.
Trong đó, “điểm nóng” là khoản nợ xấu lên đến 671 tỷ đồng, giá trị có thể thu hồi được được xác định là 0 đồng và khoản nợ xấu 4,3 tỷ đồng có nguy cơ mất trắng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội.
Bên cạnh đó, 1.468 tỷ đồng nợ xấu còn lại không được “bêu tên” cụ thể. Vinaconex chỉ ghi chung chung là “Các đối tượng khác”.
Với việc Vinaconex có khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi lên đến hàng trăm tỷ đồng, cổ đông công ty là những người chịu thiệt hại nặng nề.