Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, mã chứng khoán MVN) vừa công bố kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển 2019 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 304 tỷ đồng, giảm 31% so cùng kỳ năm trước.
Vinalines không giải thích nguyên nhân nhưng cho biết kế hoạch kinh doanh năm 2019 sẽ được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 6 tháng, do từ ngày 01/7 tới đây, Vinalines sẽ chuyển sang mô hình công ty cổ phần.
Theo kế hoạch, tổng doanh thu cả năm của Vinalines ước đạt 13.874 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 304 tỷ đồng, giảm 31%. Vinalines cũng dự kiến lỗ 164 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi nửa năm còn lại, MVN đặt chỉ tiêu lãi 468 tỷ đồng.
Khách hàng mục tiêu được Vinalines xác định gồm các hãng tàu lớn thế giới như CMA-CGM, Mearsk, MSC, One, Cosco, Wanhai… cùng các tập đoàn lớn tại Việt Nam như SCG- Thái Lan, Sagawa, Thaco Trường Hải, Hòa Phát…
"Sức khỏe" tài chính Vinalines vẫn rất yếu. |
Về đầu tư, theo Vinalines, tổng mức đầu tư trong năm 2019 dự kiến gần 2.184 tỷ đồng. Trong đó, 1.709 tỷ đồng dùng đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm (có thể đi vay). Số còn lại sẽ đầu tư tài chính bằng nguồn vốn tự có.
Vinalines cho biết sẽ thực hiện đầu tư bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện; các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển và tiếp nhận cảng Quy Nhơn về làm thành viên của tổng công ty. Cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn giữ vai trò là nhóm cảng chủ lực.
Ngoài dự án bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản cảng biển trọng điểm gồm cảng Liên Chiểu, cảng Vinalines Đình Vũ, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 2.
Vinalines cũng cho biết sẽ thanh lý 11 tàu với tổng trọng tải 224.201 tấn. Đồng thời sẽ thoái hoặc giảm vốn tại 5 doanh nghiệp thành viên.
Từng được xem là "quả đấm thép", "con chim đầu đàn" của ngành công nghiệp nặng Việt Nam, với kỳ vọng trở thành thương hiệu vận tải biển hàng đầu thế giới, Vinalines đã dần lún sâu vào nợ nần do những sai lầm trong quyết định đầu tư dàn trải, ngoài ngành.
Cụ thể, báo cáo tài chính cho thấy, liên tục trong nhiều năm, hoạt động kinh doanh chính Vinalines vẫn chịu lỗ. Trong đó, năm 2016 âm 2.171 tỷ đồng; năm 2017 âm 537 tỷ đồng; năm 2018 tiếp tục âm 198 tỷ đồng...
Không những thế, nhiều cựu lãnh đạo của tập đoàn đã vướng vòng lao lý từ nhiều năm trước do gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, mất cân đối tài chính và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2007 – 2010, Vinalines có tổng khoản nợ có nguy cơ không thu hồi được trên 23.000 tỷ đồng.