Ngày 11/5, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phúc thẩm vụ án dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu và tuyên giảm án cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy từ 3 năm tù xuống 18 tháng tù treo. Dư luận cho rằng mức án này quá nhẹ và không đủ răn đe, công lý chưa được thực thi đúng nghĩa, báo Zing.vn đưa tin.
Chị Trương Nam Thi, mẹ của một nạn nhân được cho là bị ông Thủy dâm ô trong vụ án khác cho biết bản thân con chị là nhân chứng của vụ việc, nhưng chị không nắm được thông tin về ngày xử phúc thẩm. Chị chỉ biết lịch xét xử khi đến VKS TP Vũng Tàu để hỏi.
Ngày 11/5, con gái chị phải thi nên phiên tòa diễn ra được nửa chừng, chị mới đưa bé tới để làm nhân chứng.
Theo dõi phiên xử và nghe tòa tuyên bản án 18 tháng tù treo cho bị cáo, chị xót xa: “Cách đây 2 năm, tôi từng nói rằng, dù có hay không công lý trong vụ án này, tôi vẫn theo đuổi để thực hiện trọn vẹn trách nhiệm làm mẹ và trách nhiệm với những nạn nhân khác. Hôm nay, khi nghe tòa tuyên án, tôi không khóc được nhưng trong lòng vỡ vụn”.
Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh án TAND TP.HCM, cựu thẩm phán có nhiều năm làm công tác xét xử, nhận định: “Trường hợp này, cấp phúc thẩm nêu nhân thân bị cáo là Đảng viên để cho hưởng án treo là không phù hợp. Quy định về hưởng án treo không có nêu là Đảng viên. Tòa phúc thẩm có thể xem xét về việc bị cáo tuổi cao để cho hưởng áo treo theo quy định Luật Tố tụng Hình sự (TTHS). Tuy nhiên, với vụ việc được dư luận quan tâm thì HĐXX cần thận trọng khi cho hưởng án treo”.
Nguyên Phó chánh án cho rằng có những trường hợp không nên cho hưởng án treo. Đặc biệt là vụ việc ông Nguyễn Khắc Thủy, dư luận quan tâm và phẫn nộ thì việc cho hưởng án treo sẽ không được sự đồng tình của dư luận và yêu cầu của pháp luật, không có tác dụng gì cả.
“Tôi chờ mong TAND và VKSND Cấp cao sẽ xem xét, đánh giá vụ việc này theo thẩm quyền của mình xem có phù hợp với tình hình hiện nay, khi mà ngày càng nhiều các vụ án xâm hại trẻ em đang diễn ra”, ông Vũ Phi Long nói.
Một phiên tòa không đủ sức răn đe và giáo dục
Trao đổi với báo Infonet, luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng điều này không đủ sức giáo dục và răn đe những kẻ phạm tội. Việc áp dụng các tình tiết "già yếu, bệnh tật, có cống hiến" để giảm nhẹ là chưa phù hợp. Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, bị cáo Nguyễn Khắc Thuỷ lại là 1 đảng viên, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng nhận mức án 18 tháng tù, cho hưởng án treo là không phù hợp với hành vi phạm tội gây ra. Bị cáo là một Đảng viên, là người có hiểu biết và nhận thức rõ được hành vi của mình làm có vi phạm pháp luật hay không.
“Ngoài ra, lúc đầu bị cáo còn chối tội và đe dọa gia đình bị hại, che lấp chứng cứ, gây áp lực cho tố tụng. Điều đó cho thấy Thủy rất khỏe và minh mẫn. Qua điều tra, Công an TP Vũng Tàu xác định ông Thủy dâm ô với 4 bé gái; trong đó, có đủ chứng cứ buộc tội ông Thủy thực hiện hành vi dâm ô với 2 bé, 2 trường hợp còn lại đang được điều tra. HĐXX nhận định các bằng chứng cho thấy ông Thủy có hành vi dâm ô với 1 bé gái, bé còn lại không có đủ căn cứ. Đó đáng lý phải là tình tiết tăng nặng” - luật sư Doãn Hùng nhấn mạnh.
Một chi tiết trong phiên tòa được luật sư Doãn Hùng phân tích khá kỹ. Theo các bài báo tường thuật diến biến phiên tòa, HĐXX hỏi bị cáo Thủy về vấn đề không có bị hại và người làm chứng có đồng ý tiếp tục phiên tòa hay phiên tòa.
Luật sư Hùng cho rằng, việc HĐXX hỏi bị cáo Thủy về vấn đề không có bị hại và người làm chứng có tiếp tục phiên tòa hay không tiếp tục phiên tòa là không đúng với quy định của pháp luật.
Luật sư viện dẫn: Theo điểm b, Khoản 1 Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 quy định về sự có mặt của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị:
“1. Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị được triệu tập đến phiên tòa thì phải có mặt tại phiên tòa. Nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử giải quyết:
b) Trường hợp người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là bị hại, đương sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp những người này vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị hại, đương sự...".
Tổng hợp