Vụ bêu tên người mua, bán dâm: ĐBQH đề nghị xử lý cả người chỉ đạo

'Không chỉ xử lý người trực tiếp làm mà còn phải xử lý cả người chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, nếu có hậu quả xảy ra như những người bị bêu tên thấy xấu hổ quá mà họ làm điều dại dột, con cái ảnh hưởng… thì phải tăng nặng', ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
Vụ bêu tên người mua, bán dâm: ĐBQH đề nghị xử lý cả người chỉ đạo

Ngày 30.1, Công an thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang tổ chức công bố ba người phụ nữ có hành vi bán dâm, chứa mại dâm và một người đàn ông mua dâm. Buổi công bố diễn ra trên vỉa hè đường Cách mạng Tháng Tám, khu phố 10, thị trấn Dương Đông, trước sự chứng kiến của nhiều người dân, du khách, trong đó có cả trẻ em.

Theo đó, một chiến sĩ công an cầm giấy đọc rõ tên, tuổi, quê quán, hành vi vi phạm mua dâm, bán dâm của cả bốn người và đề nghị UBND huyện Phú Quốc ra quyết định xử phạt hành chính. Nhiều người chứng kiến dùng điện thoại ghi lại và đăng lên mạng xã hội.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, bất cứ một hành vi công vụ nào của quan chức đều phải dựa trên các quy định của pháp luật. Công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, quy định, còn người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm.

Ông Nhưỡng đề nghị các cơ quan soi xem có quy định nào cho phép công an đứng ra đường, ra chợ bêu tên người ta như thế không? Nếu không có quy định này thì phải xử lý.

Theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM, hành vi bêu tên người mua, bán dâm giữa chợ có dấu hiệu làm nhục người khác. Pháp luật nước ta cũng như Hiến pháp bảo vệ quyền nhân thân, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và được bảo vệ toàn vẹn thân thể, nhân phẩm.

Điều 20 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Ðiều 34 Bộ luật Dân sự quy định: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ". Bộ luật hình sự cũng như Luật tố tụng đều quy định: Một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Căn cứ các quy định trên, ông Hùng cho rằng việc công an bêu nhục họ giữa đám đông là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. “Thật không hiểu nổi người thực thi pháp luật mà hành xử như vậy?”. Trong khi đó, theo Pháp lệnh về phòng, chống mại dâm 2003, người mua dâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn với người bán dâm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh. Người bán dâm biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mua bán dâm, với mức phạt tiền cao nhất là 10.000.000 đồng. Như vậy, Công an thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) đã xử lý hành vi vi phạm của những người mua, bán dâm nêu trên không dựa trên căn cứ pháp luật.

Trong khi đó, Đại tá Lê Văn Mót, Trưởng Công an huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho rằng công khai hóa hành vi vi phạm của công dân là việc làm thường xuyên ở xã, phường tại Phú Quốc. Thủ tục công khai hóa được làm đúng quy định, không có vấn đề gì nhưng do người dân quay clip tung lên mạng khiến sự việc trở nên "nặng nề".

Còn đại tá Lưu Thành Tín, Phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang nói: "Mai tôi ra Phú Quốc hội nghị và sẽ chấn chỉnh việc này. Công khai hóa thì tốt nhưng phương pháp làm như vậy là không hay".

Theo Một Thế Giới

Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.
UNESCO kêu gọi thúc đẩy giáo dục hòa nhập. Ảnh: UNESCO/Marie ETCHEGOYEN
Tôn vinh và ủng hộ sự hòa nhập trong giáo dục
(Ngày Nay) - Kỷ niệm 30 năm Tuyên bố Salamanca hồi giữa tháng 3/2024, cộng đồng quốc tế đã cam kết tiếp tục nỗ lực hướng tới môi trường giáo dục hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.
Viện Tim TP Hồ Chí Minh
Trang web của Viện Tim TP Hồ Chí Minh bị tấn công lấy số khám bệnh
(Ngày Nay) - Thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chiều 27/3, cho biết, trang web lấy số khám bệnh Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh đã bị hacker tấn công gây nên tình trạng gia tăng đột biến số lượt đăng ký khám bệnh. Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc và chưa ghi nhận rò rỉ thông tin người bệnh ra bên ngoài.