Trong khi đó, Mỹ - một trong những nước tài trợ lớn nhất - đã yêu cầu WHO cần cải tổ minh bạch về tài chính trước khi các nước tăng nguồn đóng góp.
Cụ thể, chính phủ Mỹ cho rằng cơ quan y tế hàng đầu của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này phải minh bạch tài chính hơn nữa để cộng đồng quốc tế đánh giá được hiệu quả của các hoạt động cũng như hiểu được cơ chế chi tiêu của WHO trước khi nhất trí tăng mức đóng góp.
Từ trước tới nay, WHO có nguồn ngân quỹ từ phí thành viên của 193 nước thành viên LHQ được tính theo tỷ lệ dân số và mức độ giàu có, thịnh vượng của từng quốc gia. Tuy nhiên, nguồn ngân quỹ này ngày càng giảm dần trong những năm gần đây.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, số tiền thu được từ nguồn nói trên chiếm tới 80% ngân sách của WHO, nhưng hiện tại chỉ chiếm có 16% khiến WHO phải vật lộn tìm kiếm các nguồn tiền tài trợ tự nguyện từ các nước để ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như nhiều cuộc khủng hoảng y tế khác xảy ra trên khắp thế giới.
Người đứng đầu WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng thừa nhận WHO không có nguồn tiền bền vững để có thể chủ động ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu lớn.
Trước yêu cầu của Mỹ, Tổng Giám đốc Ghebreyesus đề xuất WHO sẽ tiến hành cải tổ đồng thời với việc thúc đẩy giải quyết các cuộc khủng hoảng dịch bệnh ngày càng nhiều hiện nay.
Hiện WHO đang kêu gọi các nước đóng góp nhiều hơn so với mức 6 tỷ USD mà tổ chức này được tài trợ trong năm 2020-2021. Theo ước tính của giới chuyên gia, WHO cần có nguồn tài chính gấp đôi con số nói trên mới có thể đảm bảo hiệu quả các hoạt động trong các năm tiếp theo.