1.Anica - thiếu nữ 20 tuổi khiếm thính bẩm sinh ở Philippines – có thân hình mảnh dẻ và tính tình sôi nổi. Nhưng ẩn sâu trong lòng cô là một “vết sẹo tinh thần”. Nhiều năm thời thơ ấu, cô đã bị người chú quấy rối tình dục. Do không tin tưởng vào các phiên dịch viên, cô sợ cảnh sát hiểu lầm điều mình muốn diễn giải và người chú sẽ trả thù. Vụ việc có nguy cơ “chìm xuồng” vì cô có quá ít động lực để tố cáo thủ phạm.
Diane là một nạn nhân khác. Khiếm thanh (Không có khả năng nói) và khiếm thính từ bé, Diane chỉ có thể giao tiếp thông qua cử chỉ và hình vẽ. Ở lứa tuổi 20, Diane đã trải qua những tháng ngày đau đớn. Cô bị bọn buôn người đưa từ vùng quê hẻo lánh tới một thành phố lớn – nơi cô bị buộc làm gái “bán hoa”. Sau những “kinh nghiệm” hãi hùng, cô trốn thoát và được đưa vào trung tâm chăm sóc phụ nữ - trẻ em trong 1,5 năm. Cuối cùng, gia đình tìm thấy Diane và đưa cô trở về nhà. Để cáo buộc những kẻ buôn người, Diane cần một người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Tuy nhiên, trong suốt thời gian ở trung tâm chăm sóc phụ nữ, Diane không tiếp xúc được với bất kỳ phiên dịch viên nào. Diane bị rối loạn stress sau sang chấn tâm lý. Song không ai phát hiện và chữa trị cho Diane bởi cô không thể lên tiếng.
Anica và Diane không phải là những trường hợp cá biệt liên quan tới tình trạng phụ nữ bị bóc lột, lạm dụng tình dục trên thế giới. Tại Mỹ, theo thống kê của Liên minh các chương trình chống tấn công tình dục Washington, 54% bé trai khiếm thính và 50% bé gái khiếm thính bị lạm dụng tình dục, so với tỷ lệ ở các bé trai và bé gái bình thường lần lượt là 10% và 25%. Tại Philippines, theo thống kê của Trung tâm nguồn lực người khiếm thính Philippines, cứ 3 phụ nữ khiếm thính thì có 1 người bị quấy rối tình dục hoặc bị hãm hiếp; có tới 65-70% trẻ khiếm thính bị quấy rối. Khoảng ½ số vụ lạm dụng tình dục xảy ra ở nhà nạn nhân và thủ phạm thường là hàng xóm, thậm chí là thành viên trong gia đình. Nhiều vụ tấn công tình dục xảy ra ở các tỉnh và vùng hẻo lánh – nơi thiếu vắng các trung tâm giáo dục đặc biệt. Có những phụ nữ và trẻ em khiếm thính bị lạm dụng nhiều lần, vài trường hợp bị nhiều kẻ lợi dụng cùng lúc.
Các chuyên gia tâm lý, xã hội học quốc tế cho rằng người khiếm thính, nhất là trẻ khiếm thính, đặc biệt dễ bị xâm hại tình dục bởi nhiều thủ phạm tin rằng nạn nhân không có khả năng lên tiếng. Rào cản ngôn ngữ khiến người khiếm thính nếu có trình bày sự việc thì cũng ít ai hiểu. JP Maunes – Giám đốc điều hành tổ chức PADS chuyên giúp đỡ người khuyết tật ở Philippines – cho biết nhiều phụ huynh của trẻ khiếm thính không biết cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Thay vào đó, họ biến các giáo viên thành “người phiên dịch” giữa họ với con. Do bất đồng ngôn ngữ, trẻ không thể diễn tả cho cha mẹ điều đã xảy ra với chúng. Trẻ khiếm thính nhiều khi chỉ tin tưởng “tâm sự” những điều riêng tư với người thân trong gia đình hoặc người chăm sóc dạy dỗ chúng. Bởi vậy, nếu kẻ lạm dụng là một thành viên trong gia đình, một người trông trẻ hoặc giáo viên thì trẻ khiếm thính sẽ khó thấy an toàn, thoải mái để diễn giải sự việc cho bất kỳ ai khác, kể cả với người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Tại Mỹ, một số phụ huynh của trẻ khiếm thính còn đắn đo không muốn đưa các vụ việc lạm dụng tình dục học đường ra ánh sáng, do lo ngại trường học đặc biệt của con mình sẽ bị đóng cửa và trẻ mất đi nơi học tập duy nhất.
Một số lý do khác khiến người khiếm thính dễ bị lạm dụng gồm: Thứ nhất, về mặt xã hội, nhìn chung người khuyết tật hay bị đánh giá thấp hơn người bình thường. Bởi vậy, một kẻ lạm dụng có thể nghĩ rằng dư luận sẽ không quan tâm nhiều tới hành vi ép buộc tình dục trẻ em khiếm thính, nhất là bé gái khiếm thính. Thứ hai, người khiếm thính có thể giao tiếp bằng cách chạm vào người khác, chẳng hạn để thu hút sự chú ý. Do vậy, nếu không được tuyên truyền giáo dục, một đứa trẻ khiếm thính có thể nghĩ rằng việc người khác đụng chạm vào các phần nhạy cảm của cơ thể mình là điều bình thường. Thứ ba, trẻ khiếm thính thu nhận ít thông tin hơn trẻ nghe nói được, song chúng cũng tò mò như nhau. Do giới hạn về giao tiếp, trẻ khiếm thính có thể bắt chước hành vi không đúng mực của người khác mà không hỏi sự giải thích. Thứ tư, trẻ khiếm thính thường có cảm giác bị cô lập và cô đơn, do vậy dễ trở thành mục tiêu của những kẻ lạm dụng. Thứ năm, do kỹ năng giao tiếp hạn chế, trẻ khiếm thính có thể không hiểu hết điều mà mọi người dạy cho chúng về sự an toàn bản thân.
Ở một số nước, quá trình đưa một vụ việc lạm dụng tình dục người khiếm thính ra trước pháp luật còn có những “rào cản” như người khiếm thính thuộc cộng đồng yếm thế, khó giao tiếp với người khác và phải dựa nhiều vào phiên dịch ký hiệu ngôn ngữ; người khiếm thính ít có cơ hội tiếp xúc với thông tin truyền thông; người cung cấp dịch vụ pháp lý thiếu hiểu biết và kỹ năng làm việc với người khiếm thính; cộng đồng còn có sự phân biệt đối xử với người khuyết tật...
Theo nghiên cứu của nhà khoa học xã hội Gaskin-Laniyan thuộc Viện Tư pháp Quốc gia Mỹ, nhiều nạn nhân khiếm thính Mỹ không báo cho cảnh sát, gồm lực lượng 911, về các vụ việc lạm dụng tình dục vì phải dùng ngôn ngữ cơ thể. Thực tế đã có lúc cảnh sát nhầm người khiếm thính với những người say xỉn hoặc bị tâm thần tìm cách tấn công họ. Ở Philippines, tổ chức PADS cho biết trung bình cứ 60 người khiếm thính mới có 1 phiên dịch viên; phần lớn phiên dịch viên sinh sống và làm việc ở trung tâm Thủ đô Manila. Không những cần hiểu rõ ngôn ngữ ký hiệu, phiên dịch viên tham gia một vụ kiện còn cần kiến thức về luật pháp. JP Maunes – Giám đốc điều hành tổ chức PADS – nói: “Có những tình huống pháp lý trước tòa hoặc trong quá trình điều tra cần tới một phiên dịch viên có kinh nghiệm hoặc chứng chỉ về luật. Họ phải tham gia vào các vụ việc mà nạn nhân khiếm thính thậm chí không biết ký, viết; không biết tên của chính mình hoặc tên của cha mẹ”.
2.Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 466 triệu người trên thế giới mất thính lực, gồm 34 triệu trẻ em. Ước tính đến năm 2050 sẽ có hơn 900 triệu người khiếm thính. Con số này cho thấy cộng đồng người khiếm thính cần được xã hội quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa hiểu gì về người khiếm thính cũng như những vấn đề họ đang phải đối mặt, trong đó có việc bị lạm dụng tình dục. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cộng đồng là hết sức cần thiết. Tháng 3/2017, PADS đã tổ chức cuộc thi chạy marathon “Phá vỡ sự im lặng toàn cầu” (Break the Silence Global Run) thu hút hơn 3.000 người từ 20 thành phố khác nhau khắp thế giới, kêu gọi nâng cao nhận thức cộng đồng và gây quỹ triển khai dự án “Phá vỡ sự im lặng” nhằm chấm dứt nạn lạm dụng, bóc lột tình dục phụ nữ, trẻ em khiếm thính.
Một nghiên cứu mới đây của Viện công nghệ Rochester (Mỹ) cho thấy trẻ khiếm thính có nguy cơ bị ngược đãi, gồm lạm dụng tình dục, cao hơn 25% so với trẻ bình thường. |
JP Maunes – Giám đốc điều hành PADS – cho rằng vấn đề có thể giải quyết bắt đầu từ gia đình. JP Maunes nói: “Nếu bạn có người thân khiếm thính thì phải đảm bảo để người này được giáo dục cẩn thận. Học cách giao tiếp với họ, thay vì đẩy cho các giáo viên”. Cha mẹ cần học ngôn ngữ ký hiệu để “nói” với trẻ khiếm thính về vấn đề lạm dụng tình dục, dạy trẻ cách giữ an toàn trước những kẻ lợi dụng và để trẻ hiểu rằng cần tìm tới cha mẹ khi trở thành nạn nhân bị lạm dụng.
Trên thế giới, một số tổ chức phi chính phủ đang nỗ lực bảo vệ phụ nữ và trẻ khiếm thính trước nạn xâm hại tình dục. Thành lập năm 2009, DeafHope – tổ chức chuyên giúp đỡ người khiếm thính đầu tiên tại Anh – đã triển khai dự án đầu tiên “Young DeafHope” – một chương trình phòng chống lạm dụng kéo dài 6 tuần dành cho học sinh từ 11-19 tuổi tại các trường khiếm thính. Mục đích của chương trình là giáo dục trẻ về những mối quan hệ lành mạnh, cách bảo vệ bản thân hoặc rời xa một mối quan hệ có biểu hiện không đúng mực…
Gần đây, DeafHope bắt đầu tổ chức các buổi trao đổi kiến thức cho phụ nữ khiếm thính bị lạm dụng tại Anh. Các buổi trao đổi kiến thức, kỹ năng kéo dài 6 tuần sẽ giúp đối tượng này hiểu những gì mình đã trải qua, đặc biệt giúp họ khôi phục lòng tự trọng và tự tin để có tương lai tốt đẹp hơn. IPAD là một phần của dự án “Phá vỡ im lặng – Mạng lưới chống lạm dụng trẻ em” (BTS-CSAP) nhằm đào tạo cho các tổ chức phúc lợi trẻ em trên khắp Philippines về phòng chống lạm dụng tình dục.
Ðối phó với nạn xâm phạm tình dục người khiếm thính không phải là việc đơn giản. Nó đòi hỏi nhận thức cao hơn của cộng đồng, cũng như sự chung tay giải quyết từ gia đình, nhà trường cho tới các cơ quan thực thi pháp luật. |
Tổ chức PADS tham gia BTS-CSAP với vai trò cung cấp các khóa huấn luyện về chống lạm dụng tình dục, tham gia Internet an toàn và nhạy cảm giới tính cho phụ nữ và trẻ em khiếm thính. Họ cũng tổ chức các buổi nói chuyện dành cho các luật sư và trợ lý luật sư về các vấn đề nhạy cảm của cộng đồng người khuyết tật và cách ứng xử với một số trường hợp liên quan người khiếm thính. Nhờ dự án BTS-CSAP, PADS đã phát hiện hơn 100 trường hợp lạm dụng, bóc lột tình dục học sinh khiếm thính ở một số trung tâm giáo dục đặc biệt và trong cộng đồng khu vực Davao, Dumaguete, Boha, Manila ở Philippines. PADS đã đưa ra tòa khoảng 50 vụ việc liên quan phụ nữ và trẻ em khiếm thính.
Tại Philippines, một số sáng kiến khác cũng đang được triển khai để cải tiến quá trình đưa một vụ việc lạm dụng tình dục người khiếm thính ra trước pháp luật, từ việc thông báo cảnh sát, kiểm tra y tế nạn nhân bị hãm hiếp, cho tới tiến trình kiện ra tòa…Ví dụ, PADS đã hợp tác với Văn phòng Khu vực Cảnh sát quốc gia Philippines để thành lập Dự án Thông tin và Tiếp cận cảnh sát cho người khiếm thính. Hàng năm, các cảnh sát trải qua khóa huấn luyện đặc biệt, trong đó nhân viên của PADS dạy họ cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cơ bản và cách giải quyết các trường hợp lạm dụng tình dục liên quan tới người khiếm thính.
Có thể nói, đối phó với nạn xâm phạm tình dục người khiếm thính không phải là việc đơn giản. Nó đòi hỏi nhận thức cao hơn của cộng đồng, cũng như sự chung tay giải quyết từ gia đình, nhà trường cho tới các cơ quan thực thi pháp luật.
"Nếu bạn có người thân khiếm thính thì phải đảm bảo để người này được giáo dục cẩn thận. Học cách giao tiếp với họ, thay vì đẩy cho các giáo viên”.
JP Maunes - Giám đốc điều hành PADS