Chuyện cũ nhắc lại
Tết Bính Thân là những ngày ác mộng, chấm dứt tuổi thơ tươi đẹp của cô bé Y.N (quận Hoàng Mai, Hà Nội) khi bị chính gã hàng xóm quen thuộc giở trò đồi bại trong ngách 250/31/41 Tân Mai. Vụ việc ngay giữa lòng Hà Nội gây phẫn nộ nhất trong năm, “nóng” trên mọi diễn đàn xã hội, là nỗi đau của nhiều bà mẹ có con dưới 10 tuổi.
Chưa bao giờ một vụ việc lạm dụng tình dục lại gây phẫn nộ thế bởi kẻ giở trò đồi bại chính là gã hàng xóm quen mặt, thậm chí được những đứa trẻ chơi cùng Y.N – nhân chứng quan trọng chỉ đích danh tên tuổi “chú ấy”, tiểu sử của kẻ bệnh hoạn được “giăng” đầy trên mạng xã hội – kẻ xấu vẫn không bị tóm suốt mấy tháng ròng.
Mẹ Y.N – chị Nguyễn Thị L (Thịnh Liệt, Hoàng Mai) kể rằng, trong lúc đau đớn, thương xót vì đứa con bé bỏng bị kẻ xấu lợi dụng, chị đã từng nghĩ “giấu nhẹm” chuyện khủng khiếp ấy để bảo vệ tuổi thơ trong sáng của con, cố gắng chôn đi bi kịch hồi nhỏ để tương lai sau này của con không bị “đe dọa”. Nhưng rồi, nỗi đau và trái tim của một người mẹ xúi chị phải chạy vạy khắp nơi, từ cơ quan có thẩm quyền đến truyền thông, báo chí, các tổ chức xã hội… tố cáo đến cùng gã hàng xóm đồi bại, đòi lại công lý cho con. “Tôi không chịu được cảnh kẻ đồi bại vẫn ngang nhiên nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tôi cũng không thể ngồi yên nhìn kẻ xấu giở trò đồi bại với những đứa trẻ khác trong xóm” – chị L nói.
Những ngày bi kịch bao trùm, chị L nghỉ việc, đưa con đi du lịch đây đó, đi siêu thị, đi mua sắm đồ mới cho con với hy vọng con có thể phần nào quên đi chuyện kinh khủng mới xảy ra. Nhưng đó là điều không thể! “Cháu ăn uống kém hẳn. Cứ tầm 3 - 4 giờ sáng là mê sảng, hoảng loạn, vật vã khóc lóc hàng tiếng đồng hồ. Có khi nửa đêm, cháu bật dậy, sợ hãi níu chặt tay mẹ”. Những lúc ấy, chị L. chỉ biết khóc theo con, ôm chặt con chờ đến sáng. Suốt nửa đầu năm 2017, bóng đêm với mẹ con chị là khoảng thời gian khủng khiếp nhất, mệt mỏi nhất, căng thẳng nhất trong ngày. Chị L kể, sau khi được thả, kẻ bệnh hoạn giở trò đồi bại với cháu Y.N thậm chí còn tỏ thái độ thách thức, đe dọa gia đình chị.
Trong một tọa đàm về xâm hại tình dục hồi tháng 3/2017, anh N.T.V (Hoài Đức, Hà Nội) - cha của một bé gái 3 tuổi bị xâm hại tình dục, một người đàn ông sức dài vai rộng khóc nức nở trước toàn thảy mọi người khi nhắc lại câu chuyện đau lòng xảy ra với con gái. Anh muốn chia sẻ câu chuyện thật về những nỗi đau khó khỏa lấp của những người làm cha làm mẹ phải chịu đựng khi nhìn con mình chìm sâu vào khủng hoảng.
Hai năm trước, con gái 3 tuổi của anh sang nhà hàng xóm chơi đã bị người đàn ông đó dụ dỗ, giở trò dâm ô. Khi phát hiện vụ việc, anh V có sang đối chất thì người này xin lỗi và viết giấy cam kết không tái phạm. Bản thân anh V. sau đó cũng lên cơ quan công an để trình báo sự việc. Ngay lập tức, con gái anh được đưa đi giám định pháp y. Trong bản kết luận, các bác sỹ khẳng định: Cháu bé có dấu hiệu bị dâm ô, bộ phận sinh dục bị trầy xước, có dấu hiệu bị xâm hại. Nghi cạn nhận lỗi, chứng nhận pháp y đủ cả, cuối năm 2016, gia đình anh nhận được thông báo của cơ quan công an về việc sẽ tiến hành khởi tố đối với kẻ xâm hại con gái mình. Thông báo phát ra đã lâu mà đến nay vẫn “bặt vô âm tín”, rơi vào im lặng. Con anh từ đó chưa bao giờ ngủ ngon. Nhìn thấy người khác giới là hoảng loạn. Còn kẻ bệnh hoạn gây tội ác vẫn ngày ngày đi bộ tập thể dục qua nhà anh, nói cười sang sảng như lưỡi dao cứa vào tim người bố...
Xử tội dâm ô đâu dễ!
Theo nhiều luật sư ở Hà Nội, cháu Y.N đã được gia đình lên tiếng kịp thời và chưa quá muộn. Có thể coi là “may mắn” vì vụ án có đầy đủ nhân chứng là lũ trẻ quanh xóm tình cờ chứng kiến, các cháu đều lanh lợi, có năng lực, có nhận thức bình thường. Dấu vết tội phạm để lại thương tích trên thân thể bé Y.N được giám định ngay lập tức. Các chứng cứ logic, móc nối rất khớp với nhau, chưa kể nghi can đã thừa nhận hành vi với gia đình cháu N. Nếu tất cả bị thời gian “xóa nhòa”, thương tích đã lành thì chuyện lôi kẻ xấu ra trước vành móng ngựa rất khó, thậm chí phải đình án vì “xử tội dâm ô đâu dễ (?!)”.
Bà Lụa- Chánh án TAND tỉnh Lai Châu thông tin với báo chí, suốt 15 năm qua, ngành tố tụng của tỉnh lai Châu mới xét xử và tuyên phạt được 1 người dâm ô trẻ em. Theo bà lý giải, cơ quan tố tụng phải căn cứ vào những chứng cứ thu giữ tại hiện trường để chứng minh hành vi phạm tội chứ không thể vì áp lực dư luận mà vội vã xử lý. Trong những vụ án dâm ô (hành vi dâm ô chỉ là “sờ nắn bên ngoài bộ phận sinh dục” nhưng không nhằm mục đích giao cấu), việc chứng minh được đối tượng “có sờ nắn hay không” hoặc có phạm tội hay không là rất khó khăn, vì hành vi chỉ xảy ra ở bên ngoài. Đôi khi sự việc chỉ dựa vào lời khai của nạn nhân khiến các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn và không có căn cứ để xử lý vụ việc”…
Một luật sư ở Hà Nội cho hay, Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi 2009 và sắp tới là Bộ luật Hình sự 2015 có bổ sung thêm một tội danh liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em nhưng mức phạt vẫn còn khá nhẹ.
Luật hổng nên khó quy tội. Khi thấy thời hạn điều tra vụ ông N.K.T gần 80 tuổi vẫn giở trò đồi bại với 9 bé gái sắp hết hạn, hãng luật Goldkey đã gửi thư tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang với lời lẽ khẩn thiết: “Với tính chất đặc biệt nghiêm trọng và theo đánh giá của chúng tôi, có thể vụ án sẽ bị “chìm xuồng” vì nhiều lý do khác nhau. Kính mong Ông đọc hết lá thứ này và có ý kiến chỉ đạo làm sáng tỏ mọi việc nhằm bảo vệ các trẻ em bị xâm hại trong vụ án này nói riêng và trẻ em Việt Nam chung”…
Bất lực…
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thống kê, năm 2016, trong số trẻ em bị xâm hại nói chung có tới 70% bị xâm hại tình dục. Số vụ xâm hại ngày càng tăng, phần lớn người xâm hại là người thân, quen biết với gia đình nạn nhân. “Trong luật quy định có khoảng 15 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em” - bà Yến thống kê.
Nói về con số 15, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho rằng, nghe thật “mỉa mai”. Bà nói, chúng ta không cần quá nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em, chỉ cần 1-2 cơ quan thực sự làm, thực sự đau nhưng biết biến nỗi đau thành hành động, chỉ biết đau thôi mà không làm gì thì vô dụng.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ XHTD, thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12 - 15 (chiếm 57,46%). Đặc biệt, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Tuy nhiên, con số này chỉ là phần nhỏ so với thực tế, vì không phải gia đình nào cũng lên tiếng “vạch áo cho người xem lưng”.
“Tôi nghĩ rằng, cơ quan nào có vai trò vận động luật pháp thì làm đi, cơ quan nào ra văn bản thì ra văn bản đi. Đừng nhìn đứa trẻ chạy khắp nơi cầu cứu, đợi 1 năm, 2 năm… chúng lớn rồi thì còn gì bằng chứng?” – bà Vân Anh nói.
Minh chứng cho lời nói của mình, bà Vân Anh ví dụ, chị Huyền – mẹ một cháu bé ở Hòa Lạc đang được Trung tâm giúp đỡ tích cực trong việc đi tố cáo, đòi cong bằng cho đứa con mới 7-8 tuổi của chị bị cưỡng hiếp. Gia đình có giấy xác nhận thương tích hẳn hoi, gửi đơn tố cáo kịp thời, nhưng hơn 1 năm nay vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào. “Bản thân tôi cảm thấy bất lực, quen biết, chạy chọt, nhờ luật sư… chúng tôi cố gắng hết sức, lên tiếng nhiều khi bất lực và vô vọng lắm. Nhiều hàng xóm của chị Huyền nói với chúng tôi là: nếu không trừng trị kẻ bệnh hoạn thì con của các chị ở đây không biết bao giờ mới an toàn? Kẻ gây ra hành động bẩn thỉu ấy vẫn sống gần nhà, thậm chí cười cợt theo kiểu: “đi kiện đi, làm gì được tao”.
Theo bà Vân Anh, luật sư tham gia bảo vệ nạn nhân cho các vụ án liên quan đến lạm dụng tình dục thường không nhiều vì “quá vất vả, quá thách thức, không biết đến ngày nào có thành quả”.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thế Truyền nói rằng, luật quy định rất rõ, Luật Dân sự từ Điều 25 đến Điều 37, 38 có quy định rất rõ về quyền nhân thân, bí mật đời tư, danh dự nhân phẩm được bảo vệ… Một số người quyết định bỏ quyền bí mật đời tư để công khai chuyện con mình, cháu mình, chị mình… bị xâm hại với tổ chức xã hội, luật sư… để mong xử lý kẻ xấu là hành trình vô cùng gian khổ. 30 năm rồi câu chuyện giáo dục giới tính chưa đưa được vào chương trình đầy đủ. “Tôi để ý thấy học sinh cấp 1-2 mới chỉ được chú trọng dạy an toàn giao thông, mới đây còn được bổ sung dạy phòng chống tham nhũng (?!). Những bài học rất khiên cưỡng, không phù hợp” – ông Truyền đưa quan điểm.
Rồi ông nói: Đáng ra từ lớp 1 đến lớp 5 phải dạy các con quyền nhân thân, bất khả xâm phạm thân thể, cách bảo vệ mình khỏi nguy hiểm, hiểu được hành động đánh bạn, động đến thân thể bạn cũng là trái pháp luật…
Đến bao giờ những con số báo cáo như trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một trẻ bị xâm hại tình dục mới hết nhức nhối?