Phóng viên: Thưa ông, trong văn kiện Đại hội XII, nội dung bảo vệ Tổ quốc là một trong những nội dung mới được đưa vào. Ông có thể nói rõ thêm nội dung này?
+ Ông Nguyễn Thế Kỷ: Bảo vệ Tổ quốc hiện nay là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực liên tục có những thay đổi rất mau chóng. Có những thay đổi mà chúng ta phải chủ động nắm bắt tình hình để có những sự chủ động. Ví dụ, chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng. Nước ngoài đã xây những đảo nhân tạo, sân bay, đưa cả máy bay dân dụng ra, tới đây chắc chắn sẽ từng bước quân sự hóa những đảo chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa của chúng ta. Rõ ràng, toàn Đảng và toàn dân đều thấy để giải quyết vấn đề này không hề dễ.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội XII: Chủ quyền quốc gia trên Biển Đông đang bị thách thức nghiêm trọng.
Chúng ta không thể lớn tiếng chỉ để phản đối, đương nhiên sự phản đối là cần thiết. Chúng ta cũng không thể dùng những biện pháp do bức xúc, thiếu kiểm soát, mà phải bằng các giải pháp ngoại giao, giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông (DOC). Thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt những vấn đề này, tới đây cần tiếp tục làm. Chúng ta phải tranh thủ sự vào cuộc mạnh mẽ của dư luận quốc tế, có đối sách hợp lý và tạo áp lực để những nước vi phạm luật quốc tế phải điều chỉnh.
- Chủ quyền quốc gia trên Biển Đông đặt ra thách thức về đối ngoại, ngay thời điểm này giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang ở khu vực chồng lấn ở Vịnh Bắc Bộ, máy bay Trung Quốc vi phạm Vùng quản lý bay (FIR) TP.HCM?
+ Chúng ta phải vừa đấu tranh với những hành động sai trái, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, nhưng cũng phải đoàn kết quốc tế, kể cả đoàn kết với nhân Trung Quốc. Đoàn kết để đấu tranh với hành động sai trái. Trong nước cũng phải tuyên truyền làm sao để người dân hiểu đối sách của Đảng và Nhà nước. Năm 2014, khi phản đối giàn khoan Hải Dương 981, một số người đã xuống đường đập phá. Nhưng điều đó làm chúng ta mất nhiều hơn, cả về kinh tế và ảnh hưởng về uy tín.
Quan điểm của chúng ta là giải quyết tất cả việc đó bằng luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quân sự, chúng ta không bao giờ mong muốn điều này.
- Mới đây, lần đầu tiên lãnh đạo ta đã nói với nhân dân về Biển Đông tại Quốc hội? Vấn đề này sẽ ra sao tại Đại hội XII, thưa ông?
+ Đối sách của Đảng và Nhà nước ta sẽ được làm rõ tại Đại hội XII. Tôi xin không nói điều này lúc này, để chờ Nghị quyết chính thức của Đại hội. Nhưng quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn mong muốn phát triển hòa bình.
- Chúng ta sẽ chủ động, đổi mới thông tin về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông?
+ Trước hết cần thấy rằng những vấn đề trên biển là rất phức tạp. Ví dụ, một tàu ngư dân bị đâm thì tàu đâm là tàu nào, xác định rất phức tạp, không thể nói ngay là tàu của nước nào. Không thể là tàu nước này đâm mà khi thông tin lại nói tàu của nước kia. Điều đó ảnh hưởng ghê gớm đến ngoại giao. Nhưng báo chí lại có nhu cầu, thậm chí áp lực thông tin nhanh, sớm. Song tôi cho rằng vấn đề quan trọng như thế cần sự cần trọng kỹ lưỡng, vì sai một ly đi một dặm. Cho nên điều này đòi hỏi trách nhiệm của người làm báo. Trước vấn đề phức tạp phải có bản lĩnh, không thể nghe người này người kia nói mà cần thông tin từ cơ quan chức năng có trách nhiệm, thẩm quyền như: Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cảnh sát biển... Báo chí không nên chỉ đi hỏi thông tin từ cá nhân, người dân... Cả một biển nước mênh mông rộng 1 triệu km2 chủ quyền chúng ta ở biển Đông để xác định là không đơn giản chút nào.
- Giai đoạn phát triển mới của đất nước hiện nay đặt ra thách thức, kỳ vọng gì về thế hệ lãnh đạo mới, thưa ông? + Qua thảo luận nhân sự của của các kỳ Hội nghị Trung ương gần đây, đặc biệt là từ Hội nghị Trung ương 11, đặt ra một tiêu chuẩn nhân sự mới không chỉ trong Đảng mà trong dân cũng mong muốn. Đó là những người được bầu phải có đức có tài, phải gương mẫu, tận tụy; có quyết tâm đổi mới và phải có tư duy năng lực đổi mới chứ không chỉ có quyết tâm là đủ. Sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới phải nâng tầm lên. Đảng lãnh đạo bằng Nghị quyết nhưng mà sau đó phải thể chế hóa thành các chính sách, pháp luật, làm sao để đưa Nghị quyết Đại hội XII đi vào cuộc sống. Phải trăn trở ghê gớm, không chỉ tầm quốc gia mà từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, doanh nghiệp. Mỗi người đều trăn trở đổi mới thì chắc chắn đất nước sẽ đổi mới mạnh mẽ. - Ông có nói đến tư duy và năng lực tiến hành đổi mới. Điều đó sẽ hiện thực hóa qua những tiêu chuẩn gì của từng ủy viên Trung ương khóa mới? + Những người trong danh sách để đưa ra Đại hội XII bầu đã được chuẩn bị qua các vòng làm nhân sự kỹ lưỡng. Có thể nói đó là những phương án gần như tốt nhất ở từng địa phương, từng ngành. Người dân còn mong muốn nhân sự được bầu tại Đại hội XII có quyết tâm đổi mới và tư duy đổi mới, có tài, đức mà trước hết là phải trong sạch, không giàu lên nhanh chóng, không có biểu hiện nhóm lợi ích. Nhân sự mới cần không có những biểu hiện xa rời nhân dân, đặc biệt là không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tư lợi. Người cán bộ trong điều kiện mới, tất nhiên không ai bắt anh phải sống kham khổ nhưng mà rõ ràng phải luôn nhìn mức sống bên cạnh anh thế nào, đồng bào vùng sâu vùng xa thế nào để anh sống và làm việc. Nếu như làm cán bộ mà để đặc quyền đặc lợi thì Đảng ta không bao giờ chấp nhận, người dân không bao giờ chấp nhận. |
Theo Người Lao Động