Từ đầu năm đến nay, Việt Nam chịu ảnh hưởng của 11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; trong đó, bão số 10 được đánh giá là lớn nhất trong 30 năm qua đổ bộ vào đất liền nước ta. Đây cũng là cơn bão mà lần đầu tiên, cơ quan khí tượng thủy văn trung ương đưa ra mức cảnh báo thiên tai cao nhất, cấp độ 4. Thực tế, bão số 10 đã làm 6 người chết, 37 người bị thương, hệ thống hạ tầng bị phá hủy, tổng giá trị thiệt hại về tài sản lên tới gần 11.300 tỷ đồng…
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) Trần Quang Hoài: Với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, kịp thời của các cấp, các ngành, người dân đã quan tâm nhiều hơn trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Nhờ vậy, thiệt hại đã được hạn chế ở mức thấp so với cấp độ rủi ro. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục như một bộ phận không nhỏ dân cư chưa chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây trước khi bão đổ bộ, dẫn đến số lượng lớn nhà ở bị tốc mái, hư hỏng; nhiều công trình, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu chống bão, nhất là các hạng mục cơi nới, nhà xưởng. Mặt khác, một số địa phương ven biển mới chú trọng công tác kêu gọi nhưng chưa bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu trú tránh bão; chưa tập trung huy động các nguồn lực nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ đập để bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai nói chung và chống bão nói riêng…
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện kế hoạch phòng chống, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, phương án ứng phó với lũ lớn; tiếp tục tăng cường bố trí kinh phí thực hiện di dân vùng có nguy cơ cao về thiên tai, nhất là nguy cơ mất an toàn đối với lũ, ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác tham mưu; tăng cường trang thiết bị, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Các tỉnh, thành phố cần huy động, bố trí nguồn lực để nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, nhất là khu vực đồng bào có nhận thức thấp, sinh sống trong vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai cao…
Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan chức năng xây dựng chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai cho các khu vực trên cả nước, trước mắt, tập trung cho khu vực miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nội vụ phối hợp Bộ NN&PTNT đề xuất xây dựng Đề án kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan bố trí kinh phí nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các tuyến đê biển xung yếu; hiện đại hóa, nâng cấp trang thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành; hoàn thành các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bão…
Theo Hà Nội mới