Sáng ngày 26/9, tại Cần Thơ đã diễn ra hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị, GS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về biến đổi khí hậu cho biết ĐBSCL là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Từ năm 2040 trở đi, các tỉnh ven biển phía Tây đồng bằng chịu tác động nhiều hơn.
GS. Trần Thục |
Theo tính toán, đến cuối thế kỷ, nếu nước biển dâng 50cm, 60cm, 70cm, 80cm, 90cm và 100cm thì tỉ lệ diện tích bị ngập vĩnh viễn tương ứng tại ĐBSCL lần lượt là 4,48%, 8,58%, 14,7%, 21,0%, 28,2%, và 38,9%.
Trường hợp nước biển dâng 100cm, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%). TP.HCM cũng có nguy cơ ngập 17,8% diện tích, trong đó 2 quận bị ảnh hưởng nhiều nhất là Bình Thạnh (80,78%) và Bình Chánh (36,43%).
GS Trần Thục cũng lưu ý, nếu như không có sự chuẩn bị từ trước để đối phó với thiên tai - đặc biệt với các cơn bão lớn, ĐBSCL sẽ càng nguy hiểm hơn.
Phù sa sụt giảm
Một trong những vấn đề đáng lưu ý tại khu vực ĐBSCL hiện nay cũng được giáo sư chỉ rõ là sự sụt giảm phù sa ở thượng nguồn. Hiện tại khu vực Tân Châu, Châu Đốc sụt giảm 42% tổng lượng hàng năm.
Các đập thuỷ điện của Trung Quốc gây tác động nghiêm trọng đến chế độ phù sa bùn cát phía hạ du, trong đó có ĐBSCL. Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành 6 bậc thang thuỷ điện lớn lên tới 22,7 tỷ m3. Việc thay đổi chế độ vận hành ở bậc thang cuối làm thay đổi đáng kế chế độ dòng chảy mùa khô so với điều kiện tự nhiên.
Phía hạ lưu, việc gia tăng đáng kể các hồ chứa trên các nhánh sông ở Lào và phát triển thủy điện trên dòng chính Mekong sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn, thủy lực, lượng phù sa và thủy sản ở ĐBSCL.
Khi tất cả công trình thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh sông Mekong đi vào vận hành, tác động của việc sụt giảm phù sa sẽ nghiêm trọng hơn. Ước tính tổng lượng phù sa sụt giảm khoảng 75%.
“Tương lai xa hơn nữa, lượng bùn cát về VN sẽ chỉ còn khoảng 10%. Khi đó nước sông Cửu Long sẽ trong gần như nước sông Seine. Đó là nguy cơ tiềm ẩn lâu dài với ĐBSCL”, GS Thục nói.
Xâm nhập mặn ngày càng gia tăng
Khu vực ĐBSCL liên tiếp trải qua các đợt thiên tai nghiêm trọng trong nhiều năm qua. Đặc biệt năm 2016 xảy ra hạn mặn gay gắt nhất từ trước đến nay.
GS Trần Thục cho biết, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế gia tăng cả về mức độ lẫn tần suất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Nước biển dâng sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn vào các nhánh sông. Nếu mực nước biển dâng 1m, diện tích chịu ảnh hưởng của độ mặn 4 g/l có thể tăng thêm 25%, lên 334.000 ha so với mốc năm 2004.
Khu vực ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển, nghiêm trọng nhất tại Cà Mau và Kiên Giang; suy thoái hệ sinh thái, phát triển nuôi tôm ồ ạt gây ô nhiễm môi trường; sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức và thiếu phù sa, đa số sụt 5-10cm, riêng ven biển Cà Mau và Bạc Liêu có nơi sụt trên 10cm trong 10 năm.
Cùng với đó, do mưa cực đoan hơn và do bê tông hóa đô thị làm mất các khu trữ nước và vùng ven đô, tình trạng ngập lụt đô thị tại ĐBSCL cũng có xu hướng ngày càng gia tăng,