Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm

Mô hình “trường học hạnh phúc” đã có tiêu chí rõ ràng nhưng theo nhiều chuyên gia, đó không hẳn là một khái niệm mà là cách thức vận hành một trường học để làm sao mỗi học sinh cảm thấy hạnh phúc nhất khi bước chân vào trường.

______________________

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 1

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong cuộc trò chuyện với phóng viên đã kể lại, trước đây, khi GS.TS Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông đã đề ra mô hình “trường học thân thiện” tương tự với mô hình “trường học hạnh phúc”. Suy cho cùng, mấu chốt của giáo dục thành công là đào tạo được những công dân hạnh phúc. Trẻ hạnh phúc sẽ tự khắc muốn đến trường mỗi ngày. Đó là lý do thôi thúc các ngôi trường hạnh phúc ra đời như một nhu cầu tất yếu của xã hội, sau rất nhiều những câu chuyện bất cập trong ngành giáo dục được rút ra.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra, một môi trường giáo dục lý tưởng là ở đó thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, đảm bảo đủ ba tiêu chí “An toàn - Yêu thương - Tôn trọng”. Việc trẻ hạnh phúc và thoải mái khi đến trường sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến kết quả học tập. Do vậy, xây dựng một môi trường mà cả giáo viên và học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, thúc đẩy một tương lai trường học thân thiện là điều Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải đẩy mạnh, làm nhanh và làm có hiệu quả.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 2

Theo đó, để trường học gây được ấn tượng thú vị, học sinh phải cảm thấy hạnh phúc đầu tiên khi bước chân vào cổng trường. Học sinh thấy yêu mến trường lớp, yêu thầy cô bạn bè, thích được đến trường hàng ngày, đó chính là đích đến của giáo dục. Chỉ khi được học trong một ngôi trường thú vị, được sống một cuộc sống hạnh phúc bắt đầu từ nhà đến trường, các em học sinh mới có thể tiếp thu bài vở tốt, sau đó là làm những việc có ích cho quê hương, đất nước và xã hội.

Theo ông Thuyết, hạnh phúc của học trò không phải tìm kiếm đâu xa, nó được xây dựng từ chính bàn tay của đội ngũ giáo viên trong trường. Các thầy cô giáo cần phải có kiến thức có kinh nghiệm trong ứng xử với học trò, xây dựng môi trường giảng dạy thân thiện, không có khoảng cách quá xa so với học trò.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 3

Trong câu chuyện của mình, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định những điểm tích cực trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, đó là lấy học sinh làm trung tâm của hoạt động giáo dục, áp dụng phương pháp giảng dạy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, trẻ em được tạo điều kiện học tập tốt nhất, rèn luyện chú trọng vào kỹ năng sống... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục chưa thật sự hiểu về chương trình giáo dục mới nên quá trình học tập của các em vẫn chưa được giảm nhẹ ở tất cả các khâu. Bên cạnh đó, xã hội vẫn còn quá nhiều áp lực phải cạnh tranh nên tình trạng học thêm, dạy thêm khó có thể giảm bớt được. Thất bại của nền giáo dục là để dạy thêm tràn lan, “cướp” đi tuổi thơ của trẻ em, đánh mất hạnh phúc của học trò.

Hành trình “dệt” nên cảm xúc hạnh phúc cho học sinh, khơi nguồn sự thân thiện trong đội ngũ giáo viên không phải việc một sớm một chiều, mà là quá trình tác động lâu dài và cần có lộ trình như xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc... Việc tạo ra một ngôi trường hạnh phúc không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn cần có sự hưởng ứng của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 4

Trong một buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nền giáo dục của chúng ta đáng lẽ phải theo hướng dạy học để phát triển năng lực, thì trên thực tế vẫn đang tập trung vào nội dung. Mà một khi vẫn duy trì phương pháp truyền thống, người học không tránh khỏi cảm giác quá tải bởi khối lượng kiến thức tiếp nhận vượt quá mức kiểm soát. Học sinh ngày nay chịu nhiều áp lực ngay từ khi chập chững bước chân vào trường học.

Ngay từ khi bước vào lớp mầm non và lớp 1, nhiều học sinh và phụ huynh đã cảm thấy quá tải và thực sự mệt mỏi. Trải qua chục năm triển khai đổi mới chương trình giáo dục, áp lực thi cử với học sinh vẫn mỗi năm một gia tăng, học sinh phải “chen vai so tài” thi vào lớp 1, lớp 6 và lớp 10 với những kỳ thi căng thẳng đầy áp lực.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 5

Tiến sĩ Hoàng Trung Học - Chuyên gia tâm lý học trường học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục​​ cho rằng, áp lực thi cử và học tập ở mức độ vừa phải là điều cần thiết để học sinh trưởng thành và phát triển. Cùng với sự quan tâm, phối hợp của gia đình, mỗi giáo viên cần tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng, sáng tạo trong việc áp dụng phương pháp dạy học mới, nghiên cứu bài học kĩ trước khi lên lớp, đặc biệt là phải cập nhật kiến thức từ các nguồn khác nhau để thực hiện trọn vẹn một tiết trên lớp.

Sức hấp dẫn của bài giảng không nằm ở kỹ năng kiểm tra máy móc theo cách học cũ mà nên để thầy - trò tung hứng, chủ động trong việc thực hiện nội dung dạy học. “Từ đó giáo viên có thể phát hiện và bồi dưỡng những điểm yếu của học sinh và học sinh cũng có thể tự khám phá ra được những môn học mình yêu thích, chứ không phải chạy theo hình thức tập trung cùng một motip với số đông. Bởi theo chương trình mới, mục đích chính là muốn tạo ra được cái gọi là cá biệt hóa, tức là học sinh sẽ được phát huy năng lực cá nhân của mình”, TS Hoàng Trung Học khẳng định.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 6

Đây cũng là quan điểm của TS Tâm lý Giang Thiên Vũ - Giảng viên Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Trên cương vị vừa là chuyên gia tâm lý, vừa là giảng viên sư phạm, TS Giang Thiên Vũ đưa quan điểm, trong quá trình phát triển của một đứa trẻ, từ gia đình, nhà trường, hay rộng hơn là toàn bộ ngành giáo dục đều phải chung tay trong những hoạt động xã hội để rèn luyện giúp trẻ vượt qua thử thách và có khả năng thích ứng với những sự thay đổi trong cuộc sống. Do đó, chương trình giáo dục muốn tạo ra hạnh phúc cho đứa trẻ cần giảm tải áp lực học tập và bổ sung các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ quan tâm đến tình nguyện, nghệ thuật, thể thao…

Theo TS Giang Thiên Vũ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành các thông tư hoặc văn bản chỉ đạo cụ thể để yêu cầu các trường thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Nội dung văn bản cần tập trung vào các giải pháp thiết thực, dễ dàng triển khai và phù hợp với thực tế tại các nhà trường. Tránh tình trạng “làm theo hình thức đối phó” như nhiều trường hiện nay đang thực hiện. Quan trọng hơn, mỗi giáo viên cũng cần trở thành một nhà giáo dục tâm lý, biết vận dụng kiến thức về sức khỏe tinh thần và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trong từng bài dạy hoặc giao tiếp thường ngày. Khi giáo viên đủ lực và cân bằng về tinh thần, họ sẽ làm tốt công tác chăm lo cho tinh thần học sinh để giảm bớt áp lực thi cử nói riêng, các vấn đề tâm lý ở học sinh nói chung.

Đổi mới giáo dục bắt đầu từ nụ cười trẻ thơ - Bài 2: Reo ca hạnh phúc từ những lớp mầm ảnh 7

Tại Hội nghị tổng kết đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Ngoài kết quả đổi mới, cần lan tỏa đến xã hội, đến phụ huynh một điều: Chúng ta hướng đến trường học hạnh phúc, nhưng lớn hơn nữa là hướng đến ngành hạnh phúc. Ngành chúng ta cũng cần hạnh phúc”.

TIN LIÊN QUAN
Các em nhỏ, cùng phụ huynh hào hứng tham gia buổi làm bánh Trung thu.
Vừa học làm bánh Trung thu, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ
(Ngày Nay) - Tết Trung thu 2024 diễn ra trong những ngày miền Bắc gồng mình khắc phục cơn bão số 3. Tại Hà Nội, nhiều khu dân cư, trường học đã chuyển số tiền tổ chức Tết Trung thu sang từ thiện vùng lũ. Nhưng cũng có nơi vừa tổ chức buổi làm bánh Trung thu cho trẻ trải nghiệm, vừa hướng tới trẻ em vùng lũ bằng việc làm thiết thực.
Nhóm nhạc BTS tại Lễ khởi động sáng kiến "Love Myself" của UNICEF tại Hàn Quốc. Ảnh: UNICEF
Gặp gỡ fan BTS đứng sau blog gây quỹ được gần 1 tỷ đồng ủng hộ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
(Ngày Nay) - Trong những ngày qua, cộng đồng fan nhóm nhạc BTS tại Việt Nam (V-ARMY) đã một lần nữa chứng minh sức mạnh của tình yêu và sự đoàn kết. Chiến dịch quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ nhiều blog, fanpage đã thành công ngoài mong đợi khi con số tổng cộng vượt 1,2 tỷ đồng.
Ngày mai ở Làng Nủ
Ngày mai ở Làng Nủ
(Ngày Nay) - Làng Nủ bình yên, làng Nủ xanh mát, làng Nủ… Cho đến cái ngày định mệnh 10/9. Cơn lũ từ đỉnh núi Voi đã san phẳng 37 ngôi nhà. Biến xóm làng bình yên trở thành một bãi bùn đất khổng lồ, tan hoang, tang tóc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão số 3.
Tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm có thể giảm do bão số 3
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi. Bộ trưởng đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Có khoảng 1.000 người dân tại TP Hồ Chí Minh được khám tầm soát miễn phí bệnh lý về thận tại chương trình.
Người bệnh thận ngày càng trẻ hoá, làm sao để phát hiện sớm?
(Ngày Nay) - Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tại Việt Nam, trong 100 người thì có khoảng 6 - 8 người có khả năng mắc các vấn đề về thận, đa phần là không có triệu chứng. Rất nhiều người trẻ mắc thận được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng và phải chạy thận.