Làm giàu rồi hãy làm thơ?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Làm thơ và làm giàu hình như khó cùng tồn tại trong một con người, bởi giữa con người thực tế tính toán được thua và con người mộng mơ ngơ ngẩn với cơm áo luôn như hai mặt đối nghịch. Thế nhưng trong vài năm gần đây, các đại gia ẵm giải thưởng văn học khá phổ biến, phải chăng việc làm giàu và làm thơ đã tìm được sự dung hòa cùng tồn tại và phát triển thành tựu trong mỗi cá nhân?
Nhà báo Trần Hoàng Nhân. Ảnh: GIẢN THANH SƠN
Nhà báo Trần Hoàng Nhân. Ảnh: GIẢN THANH SƠN

Có thể điểm qua vài cái tên đại gia xuất hiện trên văn đàn đã ẵm giải văn học được trao hàng năm của những hội nghề nghiệp, như: Trần Lê Khánh (Giải thưởng Văn học năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tập thơ “Ngàn bài thơ khác”), Nguyễn Phúc Lộc Thành (Giải thưởng năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ “Đồng sen tàn”). Nếu xét trên số đông các nhà thơ đa phần có đời sống vật chất eo hẹp, thì hai tác giả Trần Lê Khánh và Nguyễn Phúc Lộc Thành là hai đại gia thứ thiệt trong giới cầm bút. Nhà thơ Trần Lê Khánh là chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế. Còn nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành là chủ doanh nghiệp taxi tải Thành Hưng.

Nhà giàu kiêm nhà thơ hay nhà thơ kiêm nhà giàu thì có gì đáng quan tâm? Xưa nay, nhà giàu làm thơ không phải hiếm, rất nhiều nhà thơ còn quyền chức lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ…, thậm chí tột đỉnh quyền uy như vua Lê Thánh Tông, vua Tự Đức… Vậy thì nhà giàu làm thơ, in thơ thành sách là hết sức bình thường như “cân đường hộp sữa”. Vì rằng “Dễ gì hơn việc làm thơ. Viết xong mấy chữ enter xuống dòng”, ai cũng có thể in thơ thành sách miễn là họ có tiền hoặc được vợ, con cho tiền. Thế nhưng để tác phẩm của họ được tung hô bằng giải thưởng, tức là được sự công nhận của những tổ chức nghề nghiệp như Hội Nhà văn, lập tức người trong giới, người yêu văn chương sẽ soi rất kỹ tác phẩm của họ có gì hay mà được giải này giải nọ.

Khác với những giải thưởng có thước đo rõ ràng làm quy chuẩn, ví dụ thi hoa hậu thì số đo ba vòng ít nhất phải vừa mắt người xem, vòng nào cần lớn vòng nào cần nhỏ rất đâu ra đó không thể lớn nhỏ lẫn lộn. Còn với thơ, thì “văn chương tự cổ vô bằng cớ”, không có quy chuẩn nào làm thước đo để đánh giá tác phẩm. Do vậy, đa số các nhà thơ đều tự cho thơ mình là tuyệt vời, hay giả vờ khiêm tốn “thơ tôi làm chơi thôi” nhưng nếu ai chê thơ họ dở thì… “sẽ biết mặt”. Và “văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị”, không có nhà thơ, nhà văn nào là nhất trừ khi họ thượng đài trổ tài cơ bắp với nhau.

Vậy lấy thước đo nào để những hội như Hội Nhà văn TPHCM hay Hội Nhà văn Việt Nam xét Giải thưởng hay chỉ trao Tặng thưởng (thấp hơn Giải thưởng) cho các tác phẩm được xét giải hàng năm? Xin thưa, thước đo đó là ban giám khảo, mà ban giám khảo ở đây là thành viên các hội đồng chuyên môn và các vị ủy viên Ban thường vụ của các hội này.

Ví dụ ở Hội Nhà văn TPHCM, các tác phẩm dự giải thưởng hàng năm được các tác giả gửi về hội, hội đưa cho thành viên các hội đồng chuyên môn gọi là sơ khảo. Ban sơ khảo đọc và thảo luận tại hội đồng rồi đề xuất giải thưởng hay tặng thưởng lên chung khảo xét giải. Ban chung khảo gồm các thành viên là ủy viên Ban thường vụ của hội và chủ tịch các hội đồng chuyên môn (thơ, văn, lý luận phê bình, văn học thiếu nhi…) sẽ họp và cho ra kết quả cuối cùng. Thường thì Ban chung khảo xét giải tôn trọng đề xuất của các hội đồng chuyên môn trừ khi tác phẩm có vấn đề khiến phải có ý kiến can thiệp.

Quy trình xét giải ở Hội Nhà văn Việt Nam cũng như vậy nhưng Ban chung khảo xét giải có thể đưa thêm vào tác phẩm dự giải mà không cần thông qua hội đồng. Chính vì điều này đã sinh ra chuyện tác phẩm bị hội đồng chuyên môn chấm sơ khảo loại ở vòng gửi xe lại có mặt ở vòng chung kết xếp hạng. Nhiều thành viên trong các hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam đã xin rút lui khi họ thấy không được tôn trọng vì điều này. Một nhà thơ xin không nêu tên, từng là thành viên hội đồng nói nửa đùa nửa thật: “Có tác giả in sách xong chở thẳng sách từ nhà in đến bàn xét giải luôn chứ có coi hội đồng ra gì đâu”.

Như vừa nói, tác phẩm được giải hay không phụ thuộc vào các thành viên ban giám khảo, mà khẩu vị của mỗi giám khảo mỗi khác. Có giám khảo thích mùi vị truyền thống như bún đậu mắm tôm, có giám khảo thích trà sữa, có người lại thích rượu vang nhắm với thịt cầy lá mơ… Tùy khẩu vị của giám khảo mà cho ra giải thưởng năm đó được trao cho tập thơ lục bát hay thơ hậu hiện đại, tập truyện ngắn hay tiểu thuyết, truyện khoa học viễn tưởng hay hồi ký đời tư… Giám khảo thế nào thì giải thưởng sẽ thế đó, vấn đề là họ công tâm với khẩu vị của mình thì sẽ thuyết phục được nhiều người trong và ngoài giới yêu thích văn học nước nhà.

Vậy còn mùi vị của hiện kim thì sao? Ngoài các bậc chân tu ra thử hỏi có ai làm người mà không thích tiền? Ngay như nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, ông từng học khóa 5 trường viết văn Nguyễn Du, đã in tập truyện khi còn đang theo học trường này, nhưng ông đã tạm lánh văn thơ một thời gian rất dài để tập trung kiếm tiền và giờ trở lại. Những nhà thơ như Nguyễn Phúc Lộc Thành rất đáng để ủng hộ, vì ít nhất ông đã làm tốt trách nhiệm với gia đình trước khi thỏa niềm vui riêng với văn chương hơn rất nhiều ông nhà thơ nát rượu, bê bối trong mắt vợ, con.

Vậy còn mùi vị của hiện kim thì sao? Phải chăng khi các nhà thơ kiêm nhà giàu đoạt giải thưởng sẽ khiến đại chúng nghĩ ngay đến mùi của đồng tiền hơn là mùi của những vần thơ đang bát ngát tỏa bay? Những câu hỏi này chỉ có người trong cuộc mới tường minh. Chỉ tiếc rằng, rất nhiều tác giả và tác phẩm đoạt các giải thưởng trong những năm qua lại ít được biết đến rộng rãi cho đến khi họ được giải thưởng kèm theo những xì xầm.

Hóa ra văn chương nói chung và thơ nói riêng vẫn còn được quan tâm, cụ thể vào mỗi dịp cuối năm khi các hội xét giải và xét kết nạp hội viên mới thế nào cũng trở thành “hot trend” trong giới cầm bút. Mỗi năm hai Hội nhà văn TPHCM và Việt Nam chỉ kết nạp vài chục hội viên, so với con số hơn ngàn tiến sĩ ra lò thì danh hiệu nhà thơ, nhà văn cũng chưa đến nỗi lạm phát.

“Lập thân tối hạ thị văn chương”, gần như tất cả người cầm bút đều biết điều này. Nên chăng cầu chúc tất cả nhà văn, nhà thơ hãy làm giàu hoặc tự kiếm sống được bằng ngòi bút hơn là mượn cái danh nhà này, nhà nọ kiêm chức này chức kia để thu vén vật chất về mình.