Sống tạm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Liệu những mảnh giấy A4, những tấm căn cước chỉ đút vừa túi, có định nghĩa nên một con người?
Bốn mẹ con Nghiêm Thu Thanh sống trong một căn nhà chật chội ở xóm bãi sông Hồng.
Bốn mẹ con Nghiêm Thu Thanh sống trong một căn nhà chật chội ở xóm bãi sông Hồng.

Ở tuổi 35, Nghiêm Thu Thanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có bốn mặt con. Mỗi đứa trẻ lại một bố. Nhưng giống như mẹ của chúng, cả bốn đứa trẻ đều sinh ra mà không có giấy khai sinh.

Hỏi ra, mới biết nguồn cơn như một trò đùa. Khi lên phường làm khai sinh, ông bố điền tên Thanh thành tên vợ mình... cũng chỉ vì say rượu. Trách nhiệm làm giấy tờ sau này dồn lên vai mẹ Thanh. Nhưng bà cụ lúc nhớ, lúc quên. Từ lâu bà đã không nhớ ngày sinh của các con. Một tờ giấy chứng sinh, cũng khó xoay nổi. Chuyện làm giấy tờ, gác lại đã nhiều năm.

Vậy là cả ba chị em Thanh đều không được cấp khai sinh. Lớn lên, cũng không được làm căn cước. Không có giấy tờ, Thanh cũng không được đến trường. “Tốt nghiệp” lớp học tình thương, trình độ nhận mặt chữ chỉ giúp Thanh kiếm được những công việc tay chân.

Thanh cho biết, cách đây không lâu đã được cán bộ phường hướng dẫn thủ tục, nhưng mọi thứ vẫn dừng lại ở một từ: khó.

Ít học, va chạm với đời sớm, điều gì đến cũng phải đến. Thương cảm cho hoàn cảnh của Thanh, một bà dì mua một căn nhà cho mẹ con Thanh ở xóm bãi sông Hồng.

Mất 4 lần ngoặt, cùng vô số nhịp cầu thang để bước vào căn nhà, đúng hơn là một căn chòi, rộng vỏn vẹn 10 m2. Chật chội, ẩm thấp, căn nhà này vài năm trước đã được một tổ chức xã hội tới xây thêm nhà vệ sinh để bọn trẻ thoát cảnh "đi" nhờ hàng xóm.

Trong tuần, Thanh làm “thợ đụng”, ai thuê gì làm nấy, nhưng cũng chẳng có mấy việc. Một cái xô, chục chai nước, một túi đá - sinh kế của gia đình Thanh dựa hoàn toàn vào 3 buổi tối cuối tuần quanh hồ Gươm.

Sống tạm ảnh 1

Cuối tuần, ba đứa trẻ lại cùng mẹ ra hồ Gươm bán nước dạo.

7 giờ tối đến nửa đêm, gánh nước của Thanh lời lãi phập phù. Thường là bốn gói mì tôm sau mỗi buổi bán hàng. Có hôm, đám trẻ được mẹ chiêu đãi phở. Đám trẻ tha thẩn theo mẹ nhiều năm, đường phố đối với chúng còn thoải mái hơn lớp học.

Bốn đứa con của Thanh lần lượt là Bông (14 tuổi), Gấu (11 tuổi), Thỏ (7 tuổi) và Cún (3 tuổi). Cách đây hơn hai năm, Thỏ được bố đẻ đón về Thạch Thất để làm giấy khai sinh và đi học. Còn Bông và Gấu, cả hai hiện đi học tạm bằng giấy chứng sinh. Nói là tạm, bởi dăm năm nữa, việc học của hai đứa trẻ sẽ bị ngắt quãng, nếu hồ sơ không được hoàn thiện.

Sống tạm, học tạm, tương lai của hai đứa trẻ nằm giữa hai ranh giới: có hoặc không có giấy khai sinh.

Theo số liệu thống kê của báo cáo "Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam" do Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2020 – 2021; trên cả nước, có 98,1% trẻ em dưới 5 tuổi đã được đăng ký giấy khai sinh, trong đó 97,2% trẻ có giấy khai sinh. Như vậy, vẫn còn đến hàng ngàn trẻ em chưa có giấy khai sinh.

Có thể khẳng định, những trường hợp như của gia đình Thanh không hề hiếm gặp tại Hà Nội. Nhưng họ luôn đơn độc trong hành trình đi tìm cho mình một cái tên, một nhân thân.

Không có giấy khai sinh đồng nghĩa với không được làm các giấy tờ tuỳ thân. Nhiều trẻ em sau đó rất khó khăn tiếp cận các quyền lợi y tế và giáo dục.

Thiếu vắng sự quan tâm của gia đình, không có sự bảo vệ quyền nhân thân, nhiều trẻ có nguy cơ bị lợi dụng vào những việc phi pháp, sa ngã vào tệ nạn xã hội, có em bị xâm hại tình dục, bị bóc lột sức lao động. Làm giấy tờ chứng minh nhân thân là quyền lợi thiết thân đối với mọi công dân. Nhưng trong nhiều trường hợp, quyền lợi này đang bị “ngó lơ”.

Thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào tháng 6 năm 2023, Chủ tịch nước Tô Lâm, khi đó là Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, vẫn còn hàng trăm nghìn người không có giấy tờ.

Họ là những người từ nhiều vùng trên cả nước đến các thành phố lớn vì cuộc sống, để kiếm sống đã hàng chục năm nay.

Từ cậu bé đánh giày, lớn lên trưởng thành ở Hà Nội, những người bán hàng rong, đi làm thuê, làm mướn. Họ cũng phát triển lên, có gia đình, sinh con đẻ cái. Các cháu sinh ra vẫn theo số phận bố mẹ, không có hộ khẩu, không có giấy tờ, không được đi học. Cháu không có giấy khai sinh làm sao đi học được. Lớn lên lại tiếp tục đánh giày, lại đi vào cuộc sống khó khăn như vậy

“Nếu chúng ta không đưa vào quản lý, tạo điều kiện cho họ thì sẽ rất bất cập”, Chủ tịch nước Tô Lâm nói.

Trở lại câu chuyện của gia đình Thanh. Nghỉ hè, hai đứa lớn không có nhiều việc để làm. Như mọi đứa trẻ khác ở thành phố, chúng thức khuya lướt TikTok và bị đánh thức bởi cái nóng hầm hập ban trưa. Đám trẻ dậy muộn, nên cả nhà gộp ngày hai bữa. Thức ăn tươi tùy lúc, thường là mì tôm.

“Nhìn các con cũng chạnh lòng vì không lo cho chúng nó bằng người ta. Bông đang ở tuổi ăn, tuổi lớn mải chơi, nhiều khi tôi không nhắc được”, Thanh nhìn về phía cô con gái 14 tuổi.

Ra đường bươn chải cùng mẹ, lũ trẻ từ sớm đã biết kiêng dè trước quà bánh của người lạ. Dạy lũ trẻ kiêng dè cũng phải, bởi Thanh hiểu đường phố vừa bao dung, nhưng cũng tăm tối. Thanh không muốn các con bước theo cái bóng của mẹ.

“Con muốn làm công an, nhưng mà khó…”, Bông ngập ngừng khi được hỏi về nguyện vọng nghề nghiệp.

“Con muốn làm thủ môn”, Gấu hào hứng nói về ước mơ. Khắp người xước xát, cánh tay của Gấu vẫn còn vết mổ lớn - kết quả của một lần ngã cầu thang gãy tay.

Cũng chính Gấu là người dạy em Cún leo cầu thang – những bước chân đầu đời bấp bênh của cô bé.

Không có giấy tờ, việc học của Bông và Gấu đang tới đoạn bế tắc. Kết thúc năm học này, Bông bị lưu ban lớp 6 lần thứ hai. Còn Gấu vừa trở về nhà sau một tuần biệt tăm. Cậu bé hào hứng khoe với chúng tôi Facebook của một đại ca và cho biết đại ca này đang cai quản một hội có 15 thành viên.

“Mình không được ăn học như các con, nhưng cố dạy các con tới nơi đến chốn, dù mình chẳng ra gì”, giọng Thanh nghẹn lại. “Tôi khổ cũng được, chỉ mong các con có giấy tờ”.

Không có giấy tờ, cũng chẳng sao, mẹ con Thanh vẫn sống được. Chỉ là họ đang sống tạm.

Theo luật sư Trần Văn Toàn (VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội), trẻ em sinh ra trong mọi hoàn cảnh đều có quyền đăng ký khai sinh và được cấp giấy khai sinh.

Nếu có giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.