Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 100 nước, trong đó 50 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Hiện ngành da giày Việt Nam giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu trên thế giới và là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.
Theo thống kê từ Lefaso, trong 6 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đạt trên 10,33 tỷ USD. Trong đó, giày dép đạt 8,53 tỷ USD, túi xách đạt 1,8 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất trong 6 tháng đầu năm là Mỹ, tiếp đến là EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Về triển vọng thị trường các tháng cuối năm, theo nhận định của Lefaso, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm da giày tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn cao, riêng Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm đầu tư trong lĩnh vực da giày nên các đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, tận dụng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Lefaso dự báo, chỉ số sản xuất gia giày trong năm 2019 sẽ tăng từ 10-11%; tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 21,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) hiện nay, ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA)… Tuy nhiên, có thể tận dụng được hay không thì Lefaso cũng như các doanh nghiệp (DN) cần giải quyết các điểm nghẽn mà ngành đang gặp phải hiện nay và nổi cộm trong đó chính là vấn đề thương hiệu. Bởi hiện tại, ngành da giày Việt vẫn nằm trong chuỗi gia công, doanh nghiệp chưa xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của mình nên cần có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cho ngành trong thời gian tới.
Nhiều cơ hội hợp tác với DN Italy để nâng cao giá trị
Hiệp định EVFTA không chỉ mang lại cơ hội tăng trưởng xuất khẩu lớn cho ngành da giày mà còn giúp hợp tác chuyển giao công nghệ, ứng dụng thiết bị tiên tiến trong sản xuất giày dép.
Ông Paolo Lemma, Trưởng đại diện Thương vụ Italy tại Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều DN da giày của Italy đã có các nhà phân phối, đại lý hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, các DN Italy cũng đang tìm kiếm các cơ hội xa hơn tại thị trường đang phát triển này cũng như củng cố mối quan hệ hợp tác với các DN Việt Nam và tìm kiếm thêm đối tác mới.
Ông Paolo Lemma, Trưởng đại diện Thương vụ Italy tại Việt Nam chia sẻ về cơ hội hợp tác giữa DN Italy và Việt Nam trong ngành da giày - Ảnh: VGP |
Bà Gabriella Marchioni Bocca, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất máy, thiết bị và công nghệ dành cho sản phẩm giày, đồ da và thuộc da của Italy (ASSOMAC) cho biết, trong bối cảnh EVFTA chính thức được thông qua, thời gian tới, cơ hội hợp tác giữa các DN Italy và các DN Việt Nam là rất lớn. Các DN Italy có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có kinh nghiệm trong phát triển thương hiệu…, trong khi đó, các DN Việt Nam có lợi thế về lao động.
Sự hợp tác giữa DN hai nước sẽ giúp các DN Việt Nam phát triển đội ngũ thiết kế, quản lý cấp cao, đặc biệt là chuyển giao dây chuyền sản xuất giày dép hiện đại nhất hiện nay cho ngành. Qua đó, giúp các DN Việt nâng cao được giá trị sản phẩm cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường EU.
Ông Paolo Lemma nhấn mạnh, 5 năm qua, giá trị xuất khẩu máy móc và thiết bị ngành da giày của Italy chiếm khoảng 75% tổng giá trị toàn ngành, đã tăng từ 318 triệu euro năm 2013 lên 412 triệu euro năm 2018 (29,6%). Kết quả này một lần nữa cho thấy sản phẩm Italy với sự hoàn hảo đã được toàn cầu công nhận, đặc biệt trong ngành sản xuất giày, đồ da và máy móc thuộc da.
Tại thị trường Việt Nam, trong giai đoạn 2013-2018, kết quả đạt được ngày càng tốt hơn. Giá trị xuất khẩu máy móc và thiết bị ngành da giày của Italy đã tăng trưởng gấp 10 lần, từ 3,4 triệu euro năm 2013 lên 31,7 triệu euro trong năm 2018. Italy là nhà cung cấp thứ hai của Việt Nam với 19% thị phần.