Theo hãng thông tấn AFP, khi những chiếc xe tăng đầu tiên của Nga được triển khai đến Ukraine vào ngày 24/2/2022, nước láng giềng Ba Lan đã mở cửa biên giới cho hàng triệu người Ukraine rời khỏi đất nước. Người dân Ba Lan cũng xếp hàng chào đón những người tị nạn Ukraine đến quê hương của mình. Tạp chí Phố Wall (WSJ) đưa tin Ba Lan đã tiếp nhận khoảng 1,5 triệu người tị nạn từ Ukraine, nhiều hơn 30% so với Đức.
Chuyên gia Lukas Macek của Viện Jacques Delors ở Paris nói: “Phản ứng của Ba Lan, của cả chính phủ cũng như của những công dân bình thường tiếp nhận người tị nạn, đã được nhìn nhận rất tích cực”.
Khi chiến sự Ukraine bùng phát, giống như các quốc gia vùng Baltic, Ba Lan nhanh chóng trở thành nước ủng hộ chính của Ukraine trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ba Lan đã ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực áp trần dầu thô Nga, đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn với nền kinh tế Moskva. Warsaw cũng đã gửi một số lượng lớn vũ khí tới Kiev, nhanh chóng trở thành trung tâm hậu cần cho dòng chảy vũ khí từ phương Tây tới Ukraine.
Ngày 23/1, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki từng tuyên bố rằng nước này có thể gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine, ngay cả khi không có sự đồng thuận của Berlin. Đến ngày 24/2, Ba Lan đã xác nhận chuyển giao những chiếc xe tăng Leopard đầu tiên cho Ukraine giữa thời điểm ông Morawiecki đến thăm Kiev, đánh dấu 1 năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Thủ tướng Morawiecki cũng cam kết Ba Lan sẽ hỗ trợ Ukraine cho đến khi nước này “đánh bại Nga” và sẽ sớm bàn giao thêm xe tăng.
Sau khi thuyết phục thành công Mỹ và các đồng minh châu Âu gửi xe tăng hiện đại cho Ukraine, Ba Lan đang thúc đẩy các đối tác chuyển giao vũ khí tiên tiến hơn - trong đó có chiến đấu cơ F-16 - đến quốc gia láng giềng.
Binh sĩ Ukraine trên xe tăng Leopard 2 tại Ba Lan. Ảnh: Zuma |
Ngoài ra, Ba Lan cũng đã tăng cường ký kết các thỏa thuận mua bán vũ khí do những lo ngại về an ninh. Ngân sách quân sự của Ba Lan năm nay tăng lên hơn 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), gần gấp đôi mức 2,5% năm ngoái. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong số tất cả các nước thành viên NATO.
Theo ông Andrzej Zybertowicz, cố vấn Cơ quan An ninh Quốc gia Ba Lan, Warsaw là “người bảo vệ quan trọng cho sườn đông của NATO”. Ông cho biết thêm rằng vị trí tiền phương của Warsaw đòi hỏi họ phải hành động quyết liệt hơn các đồng minh châu Âu khác.
“Ba Lan đã quyết định thay đổi sau nhiều thập kỷ xuôi theo các đồng minh EU, bởi giờ họ hiểu điều đó không chỉ nguy hiểm cho thịnh vượng của quốc gia, mà còn với sự tồn tại của nước này”, ông Zybertowicz nói.
Không chỉ có vậy, Ba Lan đã trở thành điểm dừng chân của phần lớn các nhà lãnh đạo phương Tây khi tới Kiev.
Hôm 21/2, lần thứ 2 trong vòng một năm qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện chuyến thăm chính thức Warsaw. Chuyến thăm này được thực hiện ngay sau chuyến thăm bất ngờ của ông Biden tới Kiev, vài ngày trước thời điểm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đạt mốc tròn một năm.
Trước đó, hôm 20/2, khi dừng chân tại Warsaw trước khi lên tàu tới Kiev, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nói với các phóng viên rằng: “Đối mặt với cuộc xung đột ở Ukraine, Ba Lan đại diện là biên giới tinh thần và vật chất cho phương Tây. Chúng ta, với tư cách là thành viên Liên minh châu Âu, nên cảm ơn Ba Lan vì đã nỗ lực không ngừng để hỗ trợ Ukraine”.
Trước xung đột Ukraine, một số lãnh đạo phương Tây coi Ba Lan cùng đảng Công lý và Luật pháp cầm quyền của Tổng thống Andrzei Duda là đối tác không đáng tin cậy. Tổng thống Biden từng chỉ trích Ba Lan, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền. Nhưng trước chuyến thăm ngày 21/2 của ông Biden, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby ca ngợi Warsaw là “đồng minh có tiếng nói mạnh mẽ và bên ủng hộ nhiệt thành của Ukraine”
Việc Ba Lan xích lại gần Mỹ một phần bắt nguồn từ nỗi thất vọng với các láng giềng châu Âu, những quốc gia mà Warsaw cho rằng không muốn làm mất lòng Moskva sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào khí đốt của nước này.
“Nếu chúng ta không làm bất cứ điều gì cho Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin sẽ đi xa hơn. Đức có nhiều mối quan tâm khác, nên Mỹ và Đông Âu cần cùng nhau tìm giải pháp”, Tướng Waldemar Skrzypczak, cựu tư lệnh lục quân Ba Lan, nói.
Giới quan sát cho rằng chính sách của Ba Lan đối với Ukraine phản ánh lo ngại cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể lan sang Trung Âu. Warsaw cũng đã gửi quân tới đồn trú trên lãnh thổ các đồng minh phía đông như Romania và Latvia.
“Chúng ta cần khiến Nga chịu nhiều tổn thất hơn nếu gây chiến”, Jacek Siewiera, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Ba Lan, nói.
Ông Rolf Nikel, Phó chủ tịch nhóm chuyên gia cố vấn DGAP ở Berlin, nói rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng đã nâng cao vị thế của Ba Lan trong NATO.
“Ba Lan đã trở thành một quốc gia mới ở tuyến đầu của cuộc xung đột mang tính hệ thống đang nổi lên giữa phương Tây và Nga, một vai trò tương tự như vai trò của Đức trong Chiến tranh Lạnh. Điều này cũng củng cố tầm quan trọng của Ba Lan đối với Mỹ”, ông nói.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và người đồng cấp Séc Petr Fiala (bên trái) trong một cuộc gặp gỡ. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, một số chính trị gia ở châu Âu và Mỹ cho rằng lập trường cứng rắn của Ba Lan có thể đẩy phương Tây vào cuộc đối đầu lớn hơn với Nga. Dẫu vậy, các lãnh đạo ở Warsaw khẳng định họ sẽ tiếp tục con đường này.
“Chúng tôi đặt ra các 'lằn ranh đỏ' dựa trên năng lực thực tế của lực lượng vũ trang. Nhưng nếu Ba Lan có thể nhận thêm nhiều hỗ trợ từ các đồng minh, chúng tôi có thể làm được nhiều hơn nữa”, ông Siewiera, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Ba Lan nói.
Phát biểu trên đài phát thanh TOK FM, cựu Thủ tướng Ba Lan Marek Belka nhấn mạnh: “Cuộc xung đột này đã cho thấy Ba Lan là một quốc gia không thể thiếu. Nếu không có Ba Lan, nỗ lực viện trợ cho Ukraine sẽ khó khăn hơn nhiều, nếu không muốn nói là không thể. Chúng tôi đã đạt được vị thế quan trọng”.
Song ông nhấn mạnh để duy trì vị thế hiện tại trên trường quốc tế, Ba Lan cần cải thiện hơn nữa quan hệ với châu Âu.