Tờ New York Times đưa tin vào hôm thứ tư, các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ đã tham dự một cuộc tập trận ở Hawaii để thảo luận về các tình huống khác nhau có thể xảy ra trong những ngày đầu của cuộc xung đột với Triều Tiên. Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng các bài huấn luyện không có dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng đã quyết định đi đến chiến tranh với Triều Tiên.
Cuộc tập trận dưới sự chỉ huy của Tham mưu trưởng Quân đội Mark Milley và Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Mỹ Raymond Thomas, ước tính rằng những ngày mở đầu cuộc xung đột sẽ rất thảm khốc.
Theo tính toán của họ, 10.000 lính Mỹ sẽ bị thiệt mạng hoặc bị thương trong những ngày đầu tiên cùng với hàng trăm nghìn thường dân trên Bán đảo Triều Tiên. "Sự tàn bạo của vụ xung đột này sẽ vượt quá kinh nghiệm của bất cứ người lính nào", Milley nói trong đợt diễn tập.
Dĩ nhiên, nỗi lo sợ lớn nhất của Mỹ là việc Triều Tiên sẽ phản ứng trước một cuộc xâm lăng bằng cách trả thù hạt nhân. Một chủ đề chính của cuộc đối thoại là lực lượng đặc nhiệm SOCOM và quân đội sẽ hoạt động hiệu quả như thế nào trong việc vô hiệu hóa các địa điểm phóng tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng. Điều này sẽ dẫn đến giao tranh trong đường hầm do Triều Tiên thường xây dựng căn cứ hạt nhân của nước này dưới lòng đất, điều mà lực lượng quân đội Mỹ không có nhiều kinh nghiệm.
Triều Tiên cũng đã dự trữ một lượng lớn vũ khí thông thường và đã lắp đặt gần biên giới với Hàn Quốc và tuyên bố sẽ trả đũa lại nếu có một cuộc xâm lược xảy ra trên lãnh thổ Triều Tiên
Mặc dù tuyên bố tuy thu hút được sự tranh cãi, nhưng các nguồn tin quân sự cho biết pháo binh Triều Tiên có thể nhanh chóng đưa thủ đô Seoul vào tầm ngắm. Gần một nửa dân số Hàn Quốc, 25 triệu người, sống trong các khu dân cư của Seoul.
Nếu xảy ra xung đột các máy bay do thám từ các căn cứ khác của Mỹ ở Châu Phi và Trung Đông sẽ cần được điều động đến khu vực Thái Bình Dương.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc ước tính rằng Triều Tiên đã tích trữ từ 2.700 đến 5.000 tấn vũ khí hóa học và sinh học, bao gồm bệnh than; khí thần kinh; chủng bệnh đậu mùa và bệnh tả và thuốc gây bỏng. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ước tính vào năm 2011 rằng Triều Tiên có kho vũ khí lớn thứ ba trên thế giới và có thể đã vươn lên vị trí thứ hai kể từ khi Nga đã phá hủy hoàn toàn kho dự trữ vũ khí của mình.
Các bài diễn tập đặc biệt chú ý đến những vũ khí sinh hóa này, đặc biệt là thách thức của việc di tản những người lính bị phơi nhiễm hoặc bị thương trong lãnh thổ Triều Tiên.
Quan điểm chính thức của Washington vẫn là ưu tiên ngoại giao. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert nói: "Điều kiện của chúng tôi là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chính sách của chúng tôi đã không thay đổi và chúng tôi đã nói về chính sách này kể từ ngày đầu tiên và đó là áp lực tối đa".
Để so sánh, 10.000 người thiệt mạng cũng là số lính quân Đồng Minh bị mất trong ngày D-Day, khi đổ bộ lên bãi biển Normandy vào tháng 6 năm 1944, đó cũng là cuộc đổ bộ lên bờ biển lớn nhất trong lịch sử loài người.
Chỉ có khoảng 1.000 lính Mỹ đã bị giết hoặc bị thương trong Trận Inchon, trận chiến mà quân đội Mỹ chính thức tham chiến tại chiến tranh Triều Tiên.
Theo Sputnik