Theo đăng tải trên trang Daily Mail hôm 13-9, người hiến tặng nội tạng là một phụ nữ qua đời ở tuổi 53 vào năm 2007 do đột tử. Người phụ nữ này đã hiến thận, phổi, gan và tim cho các bệnh nhân cần cấy ghép tạng.
Tuy nhiên, 6 năm sau khi những bộ phận nói trên được cấy ghép, 4/5 người nhận đều đã qua đời.
Bệnh nhân được ghép tim qua đời vì nhiễm trùng huyết trong khi 4 người còn lại đều mắc bệnh ung thư vú di căn vào cả những bộ phận khỏe mạnh trong cơ thể họ. Chỉ một người sống sót.
Các bác sĩ đã không phát hiện bệnh ung thư ở người phụ nữ hiến tặng nội tạng và các bộ phận của bà đã vô tình âm thầm đưa mầm bệnh vào cơ thể của các bệnh nhân được ghép tạng.
Giới chuyên gia nói rằng việc mắc ung thư từ cấy ghép bộ phận đơn lẻ rất hi hữu. Và họ cho rằng đây là lần đầu tiên một bệnh nhân truyền bệnh ung thư cho 4 người nhận hiến tạng và chưa từng thấy các khối u phát tác trong một thời gian dài tới như vậy.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Tübingen (Đức) và Trung tâm Y tế ĐH VU ở Amsterdam (Hàn Lan), đã phát hiện bi kịch lạ lùng chỉ lộ ra 6 năm sau khi người hiến tạng qua đời.
Các chuyên gia khẳng định công tác xét nghiệm đối với người hiến tặng trong trường hợp này được tiến hành đủ và khả năng bị truyền bệnh ung thư từ một bộ phận hiến tặng vào khoảng 0,01% tới 0,05%.
Nạn nhân đầu tiên bị truyền bệnh trong vụ việc hi hữu này là một phụ nữ 42 tuổi được cấy ghép cả cặp phổi của người hiến tặng. Chưa đầy 1 năm sau, người phụ nữ này phải nhập viện vì cặp phổi gặp trục trặc. Các bác sĩ phát hiện cô mắc ung thư vú, bệnh khởi phát từ phổi và lan tới xương, sau đó tới gan và cô qua đời vào tháng 8-2009. Trường hợp này vẫn được gọi là ung thư vú dù nó khởi phát từ bất cứ đâu trong cơ thể, bởi các khối u từ các tế bào cụ thể của căn nguyên ung thư vốn bắt đầu từ mô vú nhưng đã lan ra.
Các bác sĩ đã chứng minh được bệnh ung thư từ bệnh nhân này bị truyền từ bộ phận hiến tặng bằng cách xét nghiệm ADN.
Khi xuất hiện thông tin về trường hợp tử vong của người cấy ghép phổi nói trên, một phụ nữ 62 tuổi được cấy ghép thận trái và một đàn ông 32 tuổi ghép thận phải đều được cảnh báo về nguy cơ ung thư. Các xét nghiệm thực hiện lúc đó với hai trường hợp này đều không phát hiện dấu hiệu ung thư.
Tuy nhiên, tới năm 2011, người đàn ông bị chẩn đoán ung thư thận và 5 năm sau, người phụ nữ bị phát hiện mắc ung thư gan. Tương tự trường hợp đầu tiên, cả hai trường hợp này vẫn gọi là ung thư vú.
Người đàn ông thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần thận đã ghép và tiến hành điều trị hóa trị 1 năm. Anh khỏi bệnh ung thư từ năm 2012.
Tuy nhiên, trong trường hợp người phụ nữ bị chẩn đoán mắc ung thư gan, các tế bào ung thư sau đó được phát hiện ở thận, xương, lách và nhiều bộ phận khác. Cô qua đời 2 tháng sau khi nhận chẩn đoán, tức tròn 6 năm từ thời điểm ghép thận.
Trường hợp thứ 4 bị truyền ung thư là người phụ nữ 59 tuổi được ghép gan từ người hiến tặng. Bà bị phát hiện ung thư năm 2011 nhưng từ chối phẫu thuật cắt bỏ phần gan đã được ghép vì nhiều nguy cơ đáng ngại. Bà qua đời 3 năm sau đó.
9,6 triệu người chết vì ung thư năm 2018
Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 12-9 công bố báo cáo cho thấy trên thế giới có khoảng 9,6 triệu người chết vì ung thư trong năm 2018.
Theo đó, các ca mắc ung thư đang gia tăng nhanh chóng, với 18,1 triệu trường hợp mắc mới. Trong đó, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư ruột kết chiếm tới 1/3 tỉ lệ mắc bệnh ung thư và tỉ lệ tử vong trên thế giới.
Báo cáo cũng cho biết số người có thể sống trong vòng 5 năm sau khi chẩn đoán ung thư, hay còn gọi là tỷ lệ 5 năm, ước tính là 43,8 triệu người.