Theo ghi nhận của báo Giáo dục & Thời đại, tại các trường, phụ huynh, học sinh, giáo viên đều thực hiện nghiêm thông điệp 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi học sinh quay lại trường học sau kỳ nghỉ Tết, các trường học tổng dọn vệ sinh trường, lớp, sát khuẩn bề mặt, vệ sinh, sát khuẩn đồ dùng nhà bếp, nhà vệ sinh, đồ dùng cá nhân, đồ dùng dạy học.
Cùng với đó là bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường như: nước uống, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch có xà phòng… theo quy định.
Buổi sáng thứ hai đầu tuần, hầu hết các trường cũng đã huỷ bỏ lễ chào cờ và sinh hoạt đầu tuần, tuân thủ việc không tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung không cần thiết.
Cả nước còn 17 tỉnh, thành sẽ cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 28/2 là Hà Nam, Bình Phước, Tây Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Phú Yên, TP HCM, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hoà Bình, Lào Cai, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc và Bình Định.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cần đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch, từ đó kịp thời có kịch bản phòng, chống, dạy học, thi, kiểm tra đánh giá phù hợp.
Theo Bộ trưởng, mặc dù tình hình hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước, vì vậy, các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các kịch bản tình huống khác nhau, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng… Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh đến việc chủ động xây dựng phương án, để dù tình huống nào xảy ra cũng thực hiện được ngay, báo Người Lao động đưa tin.