Đau bụng kinh với các triệu chứng như bụng đau quằn quại, mỏi nhừ các cơ, lưng, vai, đôi lúc ói mửa... trở thành nỗi ám ảnh với rất nhiều chị em phụ nữ hàng tháng.
Nguyên nhân đau bụng trong kỳ "đèn đỏ":
- Do di truyền: Con gái bị đau bụng kinh có mối liên quan nhất định đến người mẹ.
- Vận động quá mạnh, trúng gió hoặc bị cảm lạnh trong kỳ kinh nguyệt đều gây đau bụng kinh.
- Yếu tố thần kinh, một số chị em phụ nữ quá mẫn cảm với cảm giác đau.
- Do các bệnh phụ khoa như viêm âm hộ - âm đạo với một số biểu hiện ngứa ngáy khó chịu, khí hư nhiều có màu sắc, mùi khác thường gây thay đổi pH âm đạo và đau bụng kinh.
- Do tử cung không bình thường, tử cung quá ngả trước hoặc ngả sau, tử cung quá co thắt, hay ống cổ tử cung quá hẹp, kinh nguyệt lưu thông bị trở ngại gây đau bụng.
- Nội tiết: Đau bụng trong kỳ kinh nguyệt có liên quan đến sự gia tăng của progesterone. Nội mạc tử cung và hàm lượng prostaglandin trong máu kinh tăng lên, prostaglandin tác động đến các cơ tử cung, làm chúng co lại gây đau bụng. Những người mắc chứng này có hàm lượng prostaglandin trong các mô nội mạc tử cung tăng cao rõ rệt hơn đối với những phụ nữ bình thường.
- Những người có kinh nguyệt lần đầu, áp lực tâm lý quá lớn, ngồi lâu gây tuần hoàn máu kém, máu kinh không lưu thông, thích ăn đồ lạnh... cũng có thể gây đau bụng kinh.
Thảo dược thiên nhiên chữa đau bụng kinh. |
Dưới đây là một số thảo dược thiên nhiên tốt cho việc giảm đau bụng ngày "đèn đỏ" mà bạn có thể dùng:
1. Cây ngải cứu
Ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, ôn kinh, cầm máu. Ngải cứu được dùng để trị chứng kinh nguyệt không đều, kinh kéo dài, người mệt mỏi...
2. Tinh chất mầm đậu nành
Trong thành phần mầm đậu nành có chứa nhiều protein và đặc biệt là một chất tương tự như kích thích nội tiết tố nữ estrogen mà nhiều công trình khoa học chứng minh giá trị tốt trong việc điều trị và ngăn ngừa một số bệnh, đó là chất isoflavones hay còn được mệnh danh là estrogen thảo mộc. Isoflavone trong đậu nành có khả năng chống lại các triệu chứng thời kỳ mãn kinh như: viêm âm đạo, rong kinh, bốc hỏa, mất ngủ, giảm trí nhớ, nhức đầu, lo âu, cáu gắt...
3. Cây ích mẫu
ích mẫu có vị đắng, tính mát, tác dụng hoạt huyết khử ứ, sinh tân, điều kinh, lợi thủy, được dùng chữa kinh nguyệt bế tắc, đau bụng kinh, kinh ra quá nhiều... Hạt ích mẫu có vị cay, tính hơi ấm, tác dụng bổ huyết, hoạt huyết và điều kinh.
4. Hương phụ
Có vị cay, hơi đắng, ngọt, vào một kinh can và tam tiêu. Có tác dụng lý khí, giải uất, điều kinh, chỉ thống (làm hết đau), chữa khí uất, ung thư, ngực bụng chướng đau. Hương phụ thường dùng chữa kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mãn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh nở.
5. Hồng hoa
Có vị cay, ấm vào hai kinh tâm và can, có tác dụng phá ứ huyết, sinh huyết mới, chữa kinh nguyệt bế tắc, sản hậu ứ huyết, thai chết lưu. Trong đông y, hồng hoa chữa kinh nguyệt không đều, bệnh thấy kinh đau bụng, bệnh kinh nguyệt xấu, bệnh mất kinh (amenorrhee), bệnh khí hư, viêm dạ con, viêm buồng trứng.
Ngoài việc sử dụng các thảo dược trên, bạn cũng nên lưu ý:
- Thực hiện một số bài tập vừa phải hoặc yoga. Yoga đóng một vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các cơn đau.
- Đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng, không ăn thức ăn quá ngọt hoặc quá mặn.
- Bạn không nên ăn thực phẩm lạnh hoặc cay trong chu kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn như kem và ớt.
- Bạn có thể uống nhiều nước nóng hoặc bạn có thể sử dụng một túi nước nóng chườm bụng. Sau đó, bạn có thể cảm thấy bụng của bạn sẽ không còn đau đớn nữa.
- Sử dụng thuốc vitamin và thuốc giảm đau. Vitamin B6 có thể điều trị căng thẳng tiền kinh nguyệt, cải thiện giấc ngủ và loại bỏ các cơn đau bụng. Thuốc giảm đau có tác dụng sau khoảng 20 đến 30 phút và hiệu quả có thể kéo dài khoảng 12 giờ. Nhưng đây không phải là cách tốt nhất để tránh đau kinh nguyệt.
Minh Vân (t/h)
>>> Xem thêm:
Điểm danh những thực phẩm nên kiêng kỵ ngày "đèn đỏ"