Trong sáng 15/3, nhiều cháu nhỏ ở Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh được các gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để xét nghiệm bệnh sán lợn...
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 230 trẻ được gia đình đưa tới Bệnh viện khám, xét nghiệm sán lợn và đã phát hiện 44 cháu dương tính với sán lợn.
Trong ngày 15/3, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương đã tiếp nhận 135 cháu, chủ yếu dưới 6 tuổi đến xét nghiệm, trong đó 13 cháu có kết quả huyết thanh dương tính với bệnh sán lợn.
Trước đó từ ngày 12-14/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương đã trả kết quả xét nghiệm cho 5 trường hợp tại xã Thanh Khương dương tính với sán lợn. Như vậy, từ ngày 12/3 đến nay, đã có 62 trẻ tại xã Thanh Khương dương tính với sán lợn.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn (lợn gạo) mắc phải do liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị đến nay, 55 tỉnh, thành đã có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn.
Bệnh sán dây trưởng thành thường không có triệu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.
Nguyên tắc phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.