Nhức nhối
Những ngày này, hàng trăm phụ huynh tại Trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) đang đứng ngồi không yên vì lo lắng cho sức khỏe của con khi việc trường dùng thực phẩm bẩn làm thức ăn bán trú cho học sinh vừa bị phanh phui.
Những vụ việc ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra khiến nhiều phụ huynh không khỏi e ngại, lo lắng về bữa ăn của con mình ở trường. Tại Trường Mầm non Thanh Khương, hiện hàng trăm phụ huynh đã cho con ngừng ăn bán trú, dù sẽ phải vất vả hơn.
Kiểm tra bếp ăn nhà trường, phụ huynh phát hiện thịt gà dùng để nấu bữa trưa là thịt đã mủn rữa, chỉ cần vê trên tay đã nát. Thịt lợn trường cho học sinh ăn nổi hạch, biểu hiện của lợn bị nhiễm sán. Hiện hiệu trưởng nhà trường đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các vụ việc đau lòng tương tự bị phát hiện, khi thực phẩm bẩn được tuồn vào các nhà trường, “đầu độc” hàng trăm, hàng nghìn học sinh mỗi ngày.
Trước đó, chỉ tính riêng năm 2018, đã có hàng loạt trường học ở nhiều tỉnh thành trên cả nước bị phát hiện đã đưa thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào bữa trưa học đường, hàng trăm học sinh phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm.
Tiêu biểu có thể kể đến như tại Hà Nội, hơn 200 học sinh Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh. Kết quả xét nghiệm 13 mẫu thức ăn ở trường cho thấy, có một mẫu bánh ngọt dương tính với vi khuẩn salmonella gây nhiễm trùng đường ruột.Tại thành phố Ninh Bình, 352 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Kết quả điều tra cho thấy, món ruốc gà trong bữa ăn tại trường của học sinh nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Tại Hà Giang, 150 học sinh của Trường Tiểu học bán trú Xín Cái, huyện Mèo Vạc, có biểu hiện buồn nôn, đi ngoài sau khi ăn trưa tại trường. Nguyên nhân được xác định là do thịt lợn dùng để chế biến món thịt băm cho học sinh đã bị nhiễm khuẩn vì ôi thiu.
Tại Vũng Tàu, phụ huynh cũng tá hỏa khi phát hiện con mình được nhà trường cho ăn trưa bằng cơm nấu từ gạo đã mốc xanh, thức ăn là đầu cá vụn.
Tội ác với trẻ em
Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bữa ăn học đường có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển thể chất của trẻ. Trẻ phải được ăn đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng mới có thể phát triển tốt, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển thể chất người Việt Nam theoĐề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam mà Chính phủ đã ban hành.
Cũng theo bà Nhung, hiện cả nước có khoảng 4.000 trường học có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Việc các trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh trong việc học tập, khi các em có thêm thời gian để nghỉ ngơi vào buổi trưa, phụ huynh cũng không mất nhiều thời gian đưa đón.
Tuy nhiên, những vụ việc ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra khiến nhiều phụ huynh không khỏi e ngại, lo lắng về bữa ăn của con mình ở trường. Tại Trường Mầm non Thanh Khương, hiện hàng trăm phụ huynh đã cho con ngừng ăn bán trú, dù sẽ phải vất vả hơn.
Theo bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, việc đưa thực phẩm bẩn vào trường học cho học sinh ăn là tội ác, vì học sinh còn quá nhỏ, chưa ý thức hết được về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa biết cách để phân biệt thực phẩm bẩn.
Bên cạnh đó, bếp ăn nhà trường là nơi phục vụ bữa ăn cho số lượng học sinh rất lớn. Vì thế, việc thực phẩm bẩn không chỉ gây hại cho một mà cho hàng trăm, thậm chí tới cả nghìn học sinh, là những thế hệ tương lai của đất nước. Học sinh ăn uống hàng ngày ở trường nên nếu thực phẩm không đảm bảo sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của các em.
Theo đó, bà An cho rằng cần phải có biện pháp xử lý nghiêm để ngăn chặn tình trạng này.
Siết trách nhiệm, tăng giám sát
Vì sao vẫn liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong trường học? Vì sao thực phẩm bẩn vẫn tuồn được vào bếp ăn nhà trường? Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân do chế tài xử phạt vẫn còn khá lỏng lẻo, việc quy trách nhiệm chưa thực sự rõ ràng, trong khi sự công khai minh bạch trong trường học vẫn còn hạn chế thì vai trò giám sát của phụ huynh lại rất mờ nhạt.
Theo Nghị định số115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa áp dụng với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, mức phạt này được cho là chưa đủ sức răn đe so với mức lợi nhuận khổng lồ mà việc kinh doanh thực phẩm trường học mang lại, nhất là khi một công ty thường cung ứng cho hàng chục trường.
Ví dụ, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hương Thành (phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), đơn vị cung cấp thực phẩm bẩn cho Trường Mầm non Thanh Khương không chỉ cung cấp thực phẩm cho một trường này mà cho 19 đơn vị trường học trên khác nhau địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Chế tài thấp, lợi nhuận cao đã khiến một số tổ chức, cá nhân sẵn sàng đánh mất lương tâm, trách nhiệm.
Trong khi đó, việc công khai minh bạch và giám sát trong trường học còn rất hạn chế.
Theo bà Bùi Thị An, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn với sự phối hợp đồng bộ của nhà trường và gia đình, đặc biệt là vai trò giám sát của phụ huynh trong vấn đề bếp ăn học đường, vì phụ huynh sẽ là người quan tâm nhất đến vấn đề này.
Ví dụ, việc giao nhận bữa ăn hay giao nhận thực phẩm cần có sự giám sát của đại diện nhà trường và cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, trên thực tế, phụ huynh rất ít khi được giám sát bữa ăn của con trong trường học, dù là người trả tiền cho các bữa ăn đó.
Chị Nguyễn Thu Hoài (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, dù không hẳn yên tâm về bữa ăn của con ở trường, nhưng phụ huynh không được giám sát việc mua thực phẩm cũng như nấu ăn ở trường. “Trường quy định việc đưa đón con, phụ huynh chỉ được dừng ở cổng trường. Phụ huynh cũng không được vào trường bất chợt.
Vì thế, việc giám sát thực phẩm và bữa ăn của con là rất khó. Phụ huynh chỉ biết trông chờ vào lương tâm, trách nhiệm của nhà trường, trong khi lương tâm lại là một khái niệm vô cùng trừu tượng,” chị Hoài chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, bà An cho rằng cần có cơ chế, quy định rõ ràng về vai trò, chức năng giám sát của cha mẹ học sinh trong vấn đề thực phẩm.
Bên cạnh đó, khi xảy ra sự việc, cũng cần quy trách nhiệm cụ thể các cá nhân liên quan, nhất là người có quyền quyết định chọn đơn vị cung ứng thực phẩm, ví dụ như hiệu trưởng.
Theo bà An, chỉ có làm thật rốt ráo vấn đề giám sát, giải trình và chịu trách nhiệm cá nhân mới giải quyết được vấn đề này.
Vì sao vẫn liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong trường học? Vì sao thực phẩm bẩn vẫn tuồn được vào bếp ăn nhà trường? Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân do chế tài xử phạt vẫn còn khá lỏng lẻo, việc quy trách nhiệm chưa thực sự rõ ràng, trong khi sự công khai minh bạch trong trường học vẫn còn hạn chế thì vai trò giám sát của phụ huynh lại rất mờ nhạt.