An ninh lương thực đặt lên hàng đầu

“Về tốc độ xuất khẩu gạo, chúng ta vẫn cần có các giải pháp kiểm soát nhất định. Trong lúc dịch bệnh này thì vấn đề bảo đảm an ninh lương thực phải được đặt lên hàng đầu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu ý kiến.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh.

Chiều 25/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo. Thủ tướng Chính phủ  lưu ý Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ xoay quanh việc xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Ngày 24/3, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo, ngay sau đó Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Thủ tướng cho hoãn quyết định này. Trong khi đó, chính Bộ Công Thương là cơ quan tham mưu Chính phủ việc dừng xuất khẩu gạo. Xin Thứ trưởng giải thích rõ hơn về vấn đề này?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Những tháng đầu năm nay, dịch COVID-19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhu cầu với một số mặt hàng thiết yếu nhu yếu phẩm, trong đó có gạo đang tăng rất nhanh và đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ lương thực để bảo đảm cuộc sống cho người dân. Giá cả trên thị trường thế giới biến động mạnh.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 928.798 tấn, tăng 31,7%. Tại một số thị trường, lượng xuất khẩu tăng rất mạnh như Malaysia tăng 149%, Trung Quốc tăng 595%... Đây là nguyên nhân chính khiến giá thóc, gạo trong nước cũng biến động mạnh, tăng khoảng 20 - 25% tùy theo chủng loại. Trong điều kiện xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra hết sức gay gắt, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn ha trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, nếu xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng với tốc độ như 2 tháng vừa qua, Việt Nam sẽ đứng trước rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước.

Vì vậy chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ 2 phương án, gồm tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo hoặc xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến các bộ ngành, Chính phủ quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu đến cuối tháng 5/2019.

Tuy nhiên, ngay sau đó chúng tôi nhận được ý kiến một số doanh nghiệp, địa phương nói có “độ vênh” giữa số liệu Bộ Công Thương có được với số liệu thực tế họ có. Do vậy, Bộ Công Thương ngay lập tức báo cáo lại Thủ tướng vào chiều ngày hôm qua (24/3) cho phép kiểm tra lại số lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, hợp đồng đã ký kết… sau đó mới quyết định có nên ngừng xuất khẩu hay không.

Vì sao xuất hiện “độ vênh” như vậy thưa Thứ trưởng? Liệu đây có phải do sự phối hợp của các bộ, ngành chưa được tốt dẫn đến không nhất quán trong việc báo cáo lên Chính phủ?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ dựa vào số liệu Bộ nắm được từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ Tổng cục Hải quan, các hiệp hội… vì chúng tôi không có công cụ điều hành trực tiếp về sản lượng sản xuất gạo.

Trước đây lượng gạo sản xuất, lượng gạo ký hợp đồng hay gạo tồn kho Bộ Công Thương nắm rất chắc. Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo thì chúng tôi không còn công cụ quản lý số liệu này nữa, tự do hóa hoàn toàn. Doanh nghiệp không phải đăng ký hợp đồng, thông báo số liệu tồn kho nữa nên xuất hiện “độ vênh” số liệu nêu trên.

Bộ Công Thương sẽ có những kịch bản cụ thể như thế nào trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra, ví dụ như dịch bệnh kéo dài, thiên tai hoành hành, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng kiểm tra lại số liệu và khắc phục nếu như số liệu có độ vênh nhất định so với số liệu của các tỉnh cũng như các doanh nghiệp phản ánh. Về các kịch bản, Bộ Công Thương cũng đã tính toán.

Thứ nhất, trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, chúng ta đã có dự trữ quốc gia.

Thứ hai, Nghị định 107/2018/NĐ-CP yêu cầu các doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông 5% lượng xuất khẩu trước đó, nếu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc thì chúng ta có một lượng dự trữ nữa trong các doanh nghiệp.

Thứ ba, Bộ Công Thương đã chuẩn bị tất cả các kịch bản về lưu thông, phân phối hàng hoá để không xảy ra việc thiếu gạo cục bộ ở bất kỳ địa phương, khu vực nào.

Thứ tư, các vụ lúa gieo trồng cũng tương đối nhanh. Trong thời gian ngắn chúng ta có thể phục hồi sản xuất và đáp ứng nhu cầu trong nước.

Xuất phát từ tất cả những yếu tố đó, chúng tôi cho rằng trong điều kiện dịch bệnh còn kéo dài, chúng ta vẫn có khả năng bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia.

Tuy nhiên, về tốc độ xuất khẩu, chúng ta vẫn cần có các giải pháp kiểm soát nhất định. Nếu như tiếp tục xuất khẩu với tốc độ như 2 tháng đầu năm, như tôi đã nói, chúng ta sẽ đứng trước rủi ro thiếu gạo. Trong lúc dịch bệnh này thì vấn đề bảo đảm an ninh lương thực phải được đặt lên hàng đầu.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Chính phủ
TIN LIÊN QUAN
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút và giữ chân giáo viên mầm non là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương. Tại tỉnh Tây Ninh, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang trở thành một vấn đề nan giải, mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực tuyển dụng.
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
(Ngày Nay) - Điện ảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, khi sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nội địa mà còn đối diện với làn sóng mạnh mẽ từ các nền điện ảnh châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.