Hơn 2.400 người trong số hàng ngàn người bị truyền máu bẩn đã thiệt mạng và gia đình các nạn nhân đã tìm kiếm câu trả lời trong hàng thập kỷ. Trong khi đó, chính phủ luôn khẳng định đã xảy ra sai sót dù rõ ràng có các bằng chứng về sự thờ ơ và che đậy.
Nhưng sự nỗ lực ấy sẽ sớm mang lại công lý cho các nạn nhân khi chính quyền Anh tuyên bố mở cuộc điều tra trên toàn quốc để đi đến tận cùng của sự bất công này.
Thủ tướng Theresa May khẳng định trên BBC: “Họ xứng đáng có được câu trả lời, và cuộc điều tra công bố ngày hôm nay sẽ cho họ những câu trả lời ấy để họ biết vì sao và như thế nào chuyện này đã xảy ra. Đây là một thảm kịch và lẽ ra nó không được xảy ra”.
Sự việc diễn ra vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 khi những người mắc bệnh rối loạn máu đông ở Anh được điều trị bằng huyết tương. Điều đáng bất ngờ là họ được điều trị bằng máu của người nhiễm bệnh HIV và virút viêm gan C.
Tổ chức Tainted Blood, tổ chức nhằm mang công lý về với các nạn nhân, cho Guardian biết tổng cộng 4.800 người bị nhiễm virút viêm gan C và 2.700 nhiễm HIV, trong đó 1.200 người còn bị nhiễm thêm HIV.
Mặc dù sự việc được xem là “một trong những thảm họa điều trị trong lịch sử dịch vụ y tế quốc gia” nhưng đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Theo Guardian, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc là nhu cầu máu tăng cao sau khi y học tìm ra được cách điều trị bệnh rối loạn máu đông bằng cách sử dụng huyết tương. Khi đó, các hãng dược bắt đầu tìm đến nguồn cung cấp, bao gồm nguồn máu từ các tù nhân và người bị nghiện thuốc phiện ở Mỹ.
Vào năm 1991 khi các nhà hoạt động dọa đưa chính phủ ra tòa, chính phủ đã tự nguyện bồi thường cho mỗi người trung bình 60.000 bảng với điều kiện các nạn nhân rút đơn khởi kiện. Bằng cách bồi thường không chính thức, chính phủ đã không phải chịu trách nhiệm về vụ việc xảy ra.
Ông Matt Gregory, ủy viên Quỹ ủy thác Macfarlane, được chính phủ thành lập vào năm 1988 nhằm hỗ trợ nạn nhân, khẳng định quỹ thiếu sự tài trợ trong nhiều năm.
Trong cuộc phỏng vấn với Guardian tám năm trước, ông Haydn Lewis - một nạn nhân bị truyền máu bẩn - cũng kể lại việc bị che giấu thông tin nhiễm HIV. Ông khẳng định rằng mặc dù bị chẩn đoán nhiễm HIV từ năm 1984, nhưng không được báo tin cho đến tháng 2/1985. Trong thời gian đó vợ ông cũng bị nhiễm bệnh.
“Làm sao để đối phó với chuyện đó? - ông hỏi - Làm sao bạn có thể đối mặt với việc vì bạn mà người thân yêu của bạn sẽ chết?”. Ông bị chẩn bệnh rối loạn đông máu khi mới 2 tuổi, và mất vì biến chứng HIV và vi khuẩn viêm gan C.
Theo Tuổi Trẻ