Anh em đâu?

(Ngày Nay) - "Anh em đâu?" - một tin nhắn ngắn gọn phát đi, và thế là hàng trăm thanh thiếu niên cầm hung khí nhảy lên xe máy phóng đi. Trong đầu họ, đó là tinh thần hào hiệp. 
Những bài hát về tình anh em theo kiểu giang hồ đang được giới trẻ hâm mộ
Những bài hát về tình anh em theo kiểu giang hồ đang được giới trẻ hâm mộ

Vụ 200 thanh niên phóng xe máy đập nát quán nhậu ở TP.HCM, hoá ra do các "ông mãnh" kêu gọi nhau qua... Facebook. "Tao hô 1 tiếng có trăm anh em đập chết m. mày" là có thật.

Với ngần ấy gã choai choai, vũ khí trong tay (cũng không loại trừ có cả sự tác động của rượu, ma tuý...), không có bất cứ ai xứng đáng là đối thủ. Ở Hà Nội, nhiều người biết chuyện 1 đàn anh có số má top đầu, chỉ vì khúc mắc với vài đứa "trẻ trâu" mà chúng kéo đến đâm chết ngay ngõ nhà. Đối mặt với trẩu, thì đại ca cũng tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Giang Hồ - luôn là hai chữ cực kỳ hấp dẫn với thanh niên mới lớn. Nó có cái gì đó rộng rãi, yêng hùng, huynh đệ lắm.

Cuối những năm 90, loạt phim "Người trong giang hồ" làm mưa làm gió khắp Hồng Công và Việt Nam. Trần Hạo Nam, Sơn Kê, Sa Bì - những nhân vật giang hồ trong phim - là những hình ảnh mẫu mực để thanh niên thời đó noi theo. Sống có anh em, không sợ bạo lực và sẵn sàng giải quyết mọi mâu thuẫn bằng bạo lực, gia nhập bang hội và sống chết vì bang hội - đó là thông điệp của "Người trong giang hồ".

Bẵng đi 20 năm, trào lưu Giang Hồ quay lại. Những phụ huynh bỗng nhiên nghe thấy bọn trẻ gọi nhau là huynh xưng đệ, sử dụng một hệ thống từ ngữ rất lạ tai như "xã đoàn", "chị đại", "lão đại", "xúc", "phơ", "tông đơ"... Và nếu để ý kỹ hơn, thì top đầu trending (xu hướng) Youtube luôn có sự xuất hiện của các video có yếu tố giang hồ, top đầu các bài hát thịnh hành luôn là các bài hát có yếu tố Anh Em. Kể tên 10 bài hát về tình anh em trên Youtube thì không khác gì Thuỷ Hử: "Anh em kiếp này", "Sống chết có nhau", "Một đời là anh em", "Kính trời kính đất kính huynh đệ"...

Đây, hãy nghe những câu hát trong bài "Mong kiếp sau vẫn là anh em" được rất nhiều thanh thiếu niên ưa thích:

"Từ bao lâu ta lớn lên trong khó nhọc
Và đôi lúc vấp những thương đau gục ngã
Tình anh em gian khó hiểm nguy đến đâu cũng luôn sẵn sàng
Kề vai nhau ta quyết đi hết con đường
Bạn thân ơi
Ta hãy luôn luôn khắc ghi những giây phút này
Tình anh em mong kiếp sau mãi như vậy..."

Nghe như những thanh niên này sinh ra trong thời đánh Pháp đuổi Mỹ chống Nhật vậy. Không hiểu năm 2020 thì những thanh niên Việt Nam sao phải "khó nhọc" rồi là "thương đau gục ngã", "gian khó hiểm nguy" nhiều đến thế?

Trào lưu các giang-hồ-mạng đua nhau lên mạng livestream, quay phim giang hồ hoặc MV ca nhạc phát hành online, rồi chửi bới doạ đâm doạ chém... rộ lên vài năm nay vẫn chưa hạ nhiệt. Dù rằng, những thần tượng nổi nhất của giới giang-hồ-mạng như Khá "bảnh", Quang "rambo", Đường "nhuệ" lần lượt sa lưới pháp luật, thì các "lão đại", "chị đại" còn lại bên ngoài vẫn cần mẫn đăng đàn. Cách đây mới 2 ngày, H. "hoa hồng", một thanh niên nhiều lần vào trại giam lẫn trại cai nghiện, ra MV ca nhạc về tình anh em. Hôm nay, MV sặc mùi giang hồ ấy đã đạt 1,1 triệu view.

Trong đám tang của Q. "xa lộ" - một giang hồ chuyên bảo kê thu tiền mãi lộ ở Bình Dương - thiệt mạng trong 1 vụ chém giết kiểu xã hội đen vào năm ngoái, hàng trăm "anh em" đã cùng hát 1 bài hát về tình anh em giang hồ, sau đó hô lớn đòi báo thù, bất chấp lời van xin bỏ qua thù hận của chính gia đình nạn nhân. 

Tôi, một thanh niên thuộc "thế hệ Trần Hạo Nam" năm nào, cũng từng kéo bè kéo đảng đi đánh nhau khắp Hà Nội, bây giờ co rúm lại mỗi khi thấy đám đông. Mất đến 20 năm để hiểu rằng, động tay động chân là biểu hiện rõ nhất của sự bồng bột chậm trưởng thành. Mất 20 năm để hiểu rằng, anh em thực sự là những người can ngăn mình làm việc phạm pháp, chứ không phải hùa vào cùng mình phạm pháp.

Những thanh niên cầm hung khí đi đập cái quán nhậu kia, rất may cho họ là đã không có ai thiệt mạng dưới đường dao mũi giáo. Vấn đề là, họ và các thanh thiếu niên đang hừng hực máu nóng có rút ra được bài học không? Ai sẽ nói để các em chịu nghe bây giờ?

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).