Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, năm 2020, với sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã đạt được một số kết quả tích cực, nhiều đối tượng, đường dây ổ nhóm tội phạm đã bị triệt phá; nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu đã bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật...
Tuyến biên giới phía Bắc, hiện nay khi các hoạt động xã hội trở lại bình thường sau dịch COVID-19, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biễn phức tạp, hàng hóa chủ yếu là quần áo, đồ chơi, máy móc linh kiện điện tử...
Điển hình vụ xảy ra vào tháng 8/2020, Tổng cục Hải quan phối hợp các lực lượng phát hiện và kiểm tra 97 xe hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan tại Lào Cai, ước tính trị giá hàng hóa 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm là ma túy, pháo nổ vẫn diễn ra phức tạp, tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lạng Sơn,... các lực lượng chức năng đã thường xuyên phối hợp trong công tác phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ việc.
Điển hình là vụ việc vào tháng 3/2020 Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp các lực lượng phát hiện, thu giữ 473 kg ma túy tổng hợp, bắt giữ 7 đối tượng. Tình hình vận chuyển trái phép, buôn lậu khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra phức tạp.
Còn ở địa bàn các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Kon Tum, Đà Nẵng, chủ yếu là mặt hàng rượu ngoại, đường, thuốc lá, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, lâm sản…
Đáng chú ý, hoạt động của tội phạm ma túy có sự chuyển dịch và gia tăng tại các địa bàn tỉnh tuyến biên giới Việt Nam- Lào.
Còn tại tuyến biên giới Tây Nam, dù đã tích cực đấu tranh, vẫn còn số ít các đối tượng lợi dụng lúc sơ hở của lực lượng chức năng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, chủ yếu các mặt hàng, khẩu trang, thuốc lá ngoại, đường cát...
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. |
“Thời gian gần đây, khi Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh COVID-19, thì hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng nóng trở lại, mặt hàng chủ yếu là hàng điện tử điện lạnh cũ, thuốc lá ngoại, ma túy…”, ông Đàm Thanh Thế cho hay.
Ngoài ra, hoạt động buôn lậu trên tuyến đường biển, cảng biển cũng diễn biến phức tạp.
Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng cơ chế thông thoáng trong lĩnh vực Hải quan, như kiểm hóa (luồng xanh, vàng, đỏ), kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro… để khai sai mặt hàng, chủng loại, số lượng.
Trên biển, tình hình buôn lậu xăng dầu vẫn không giảm, nổi lên là khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh có dấu hiệu phức tạp trở lại. Do kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở, cửa khẩu đường bộ nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có chiều hướng gia tăng ở đường biển.
Năm 2020, với sự cố gắng, quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 185.461 vụ việc vi phạm (giảm 16,3 % so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp NSNN 24.817 tỷ 656 triệu đồng (tăng 15,39 %so với cùng kỳ), khởi tố 2.543 vụ (tăng 28,3 % so với cùng kỳ), 3.502 đối tượng (tăng 49,46 % so với cùng kỳ). Nhiều đường dây, ổ nhóm đã bị triệt phá, nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu bị bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương triển khai nhiều giải pháp quản lý, điều hành thị trường cũng như đảm bảo các chính sách an sinh xã hội; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng tại cơ sở làm tốt công tác quản lý địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kinh doanh hàng giả kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 quốc gia triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lậu thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, đã thường xuyên phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các lực lượng chức năng trung ương làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành địa phương, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ, trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác này. Tổng kết một số chuyên đề như: Kế hoạch số15, Kế hoạch số 27
"Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt hàng giả, hàng nhái, hành vi phạm sở hữu trí tuệ còn diễn ra phức tạp, nhất là các địa bàn trọng điểm. Tồn tại trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như cơ chế chính sách, phối hợp lực lượng, trang bị phương tiện... Nhưng quan trọng nhất vẫn là tinh thần, trách nhiệm của các đơn vị chức năng và cán bộ thực thi công vụ", ông Đàm Thanh Thế thừa nhận.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trọng điểm nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm nổi lên trên địa bàn phụ trách. Tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, phát hiện các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, không để tạo thành các điểm nóng phức tạp, kéo dài.
Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, nhằm phát hiện các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ.
Tăng cường công tác truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền tích cực hơn nữa để nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.
Các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, nhằm phát hiện các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm, không chạy theo sự vụ.
Tăng cường công tác quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản qui phạm pháp luật không còn phù hợp liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng.
Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, bỗi dưỡng nghiệp vụ cho các lực lượng chuyên trách nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
Các bộ ngành, địa phương lực lượng chức năng và Văn phòng thường trực căn cứ vào nhiệm vụ được giao và thực tế địa bàn, lĩnh vực phụ trách để xây dựng kế hoạch, chương trình cho phù hợp, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ và trưởng Ban chỉ đạo quốc gia.