Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: Công bố Kết luận kiểm tra, giám sát tại Nam Định, Thái Bình

(Ngày Nay) - Ngày 18/10/2017, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dẫn đầu, đã công bố Kết luận kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại địa bàn 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Công bố Kết luận kiểm tra, giám sát tại Nam Định, Thái Bình
Công bố Kết luận kiểm tra, giám sát tại Nam Định, Thái Bình

Dự buổi làm việc có đồng chí Đoàn Hồng Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ tỉnh Nam Định; đồng chí Phạm Văn Sinh, Bí thư Đảng uỷ tỉnh Thái Bình và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đại diện lãnh đạo các cơ quan được kiểm tra của 2 tỉnh Nam Định, Thái Bình…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Phó trưởng Đoàn công tác số 2 trình bày Dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, các vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng tại tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình. Theo đó, trong những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền của 2 tỉnh đã luôn xác định công tác đấu tranh PCTN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc dư luận xã hội quan tâm được tăng cường; cấp uỷ các cấp đã chỉ đạo sâu sát, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia. Tỉnh uỷ 2 tỉnh đã chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Cấp uỷ các cấp tại 2 tỉnh đã tiến hành kiểm tra hàng nghìn lượt tổ chức đảng, với hàng nghìn lượt đảng viên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm và thi hành kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm. Những kết quả trên đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra cho thấy, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng của 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện công tác PCTN còn chưa được phát huy; chưa chú trọng công tác tự kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng. Các vụ việc tham nhũng, sai phạm về kinh tế được phát hiện chủ yếu thông qua đơn tố cáo của công dân. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, sai phạm về kinh tế qua thanh tra còn hạn chế. Kết quả thu hồi tài sản do tham nhũng còn thấp... Đoàn công tác đề nghị hai tỉnh Nam Định và Thái Bình cần nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, hạn chế, tập trung làm rõ nguyên nhân để có các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng trên địa bàn trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phát biểu ý kiến về Dự thảo Báo cáo Kết luận kiểm tra và bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với Dự thảo Báo cáo. Các đại biểu cũng đã thống nhất nhìn nhận tình hình tham nhũng, sai phạm về kinh tế còn phức tạp. Đoàn công tác số 2 đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu 2 tỉnh, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh Dự thảo Báo cáo để báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN.

Thay mặt Đoàn công tác, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân và các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Nam Định và Thái Bình đã đạt được trong công tác PCTN, lãng phí.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: Công bố Kết luận kiểm tra, giám sát tại Nam Định, Thái Bình ảnh 1Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Nam Định.

 Để tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định và Thái Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá”; Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”. Đẩy mạnh công tác thanh tra đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; thường xuyên thành lập các đoàn liên ngành thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề. “Cần chú ý thanh tra đầy đủ nội dung, theo đúng quy trình, kết luận thanh tra bảo đảm chất lượng, chỉ rõ trách nhiệm và kiến nghị xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm cả về Đảng, chính quyền; chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; không để việc khiếu kiện kéo dài, gây phức tạp về an ninh, trật tự, hình thành điểm nóng…” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đặc biệt lưu ý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tự kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng xảy ra ở cơ quan, tổ chức, đơn vị phụ trách; khắc phục những tồn tại, hạn chế, tránh thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định và Thái Bình cũng cần tập trung chỉ đạo các cơ quan tư pháp kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế, chú trọng công tác giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, đảm bảo yêu cầu chính trị, nghiệp vụ và pháp luật. Đồng thời có giải pháp hiệu quả thu hồi tài sản thiệt hại trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, từng bước đẩy lùi tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương…

(theo BCA)

TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.