Gần đây, cụm từ “sự tử tế” xuất hiện với tần số dày đặc trên các diễn đàn mạng và báo chí, tại sao lại như vậy? Không phải ngẫu nhiên tôi đặt ra câu hỏi này. Những bài báo về giọt nước mắt của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng khi nói về sự vô cảm, nỗi lo sợ bị thực phẩm bẩn ‘đầu độc’ của người dân, tinh thần của vị giám đốc người Nhật ở KCN Tân Đức … đang là điều day dứt trong tôi và các bạn.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã bị ba kẻ lạ mặt hành hung tại một con đường vắng thuộc phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội), khiến anh bị chấn thương ngón tay cầm bút, ngón tay quan trọng nhất đối với một nhà báo. Cả xã hội hoan nghênh tinh thần xả thân vì nghĩa của anh khi có những bài báo tấn công thẳng vào “sào huyệt”, phá tan đường dây của những kẻ xấu và lên án những kẻ đã hành hung, đe dọa không chỉ riêng anh Hoàng mà còn nhiều nhà báo khác.
Nhưng có lẽ điều đau lòng hơn cả đối với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng không phải là nỗi đau thể xác. Anh Hoàng đã phải bật khóc khi nói về sự vô cảm của những người qua đường trước sống chết của mình. Khi thấy anh kêu cứu, họ chỉ “vội đi”, không đoái hoài đến một người đang bị thương bên đường. Sự vô cảm “vùi dập” đi sự tử tế trong cái tập thể rộng lớn này.
Nhiều người hoài nghi về sự tử tế trong xã hội. Ảnh minh họa.
Sự tử tế ở đâu khi con người “làm ngơ” trước người hoạn nạn? Sự tử tế ở đâu khi có quan chức vô cảm, hành xử vô văn hóa, tham nhũng? Sự tử tế ở đâu khi người Việt “tự đưa nhau đến nghĩa địa” bằng thực phẩm bẩn, bằng chất cấm trong thịt lợn?...
Rõ ràng đó là mặt trái, góc tối của xã hội mà chúng ta đang phải đối mặt và tìm hướng giải quyết. Rõ ràng những vấn đề đó được đặt ra rất bức thiết, cần phương thuốc đặc trị, cần quyết tâm lớn. Tuy nhiên, ta không thể quy kết một bộ phận vô cảm, thiếu tử tế để đánh giá rằng xã hội thiếu tử tế.
Lang thang trên mạng xã hội, ta dễ dàng bắt gặp những người suốt ngày phàn nàn về sự vô tâm, về sự vô đạo đức. Có người nói rằng, sự tử tế giờ hiếm lắm! Sống cho mình đã khó sao có thể sống vì người khác được. Vậy thử hỏi bản thân người đó đã sống tử tế chưa?
Ở nhiều nơi trong xã hội này, ta vẫn bắt gặp những con người cố gắng hết mình tổ chức các chương trình từ thiện của cộng đồng, của tập thể, của cá nhân vẫn diễn ra thường xuyên.
Một hành động nhỏ có tình người cũng là sống tử tế. Ảnh minh họa.
Như tấm gương Nguyễn Quang Thạch, người thanh niên sinh năm 1975 với thân hình gầy gò, gương mặt sạm đi bởi sương gió bụi đường, đã hoàn thành được 1/6 chặng đường xuyên Việt hiện thực ước mơ “Sách hóa nông thôn” của mình. Anh đã đi xuyên Việt để quyên góp sách cho trẻ nghèo, mang tri thức đến cho nông thôn. Một hành động đẹp với tầm lòng cao cả.
Nếu ai đó bi quan rằng lớp trẻ bây giờ chỉ biết sành điệu, vùi đầu trong “thế giới phẳng” thì nên nghĩ lại. Họ chính là những bạn trẻ tự động đến các hồ nước mang theo tấm bảng “thả cá, không thả túi nilông”, hay như hành động nhỏ cầm tấm biển trước cột đèn giao thông với thông điệp “Tắt máy để bảo vệ môi trường”. Những hành động tưởng như rất nhỏ này lại là chính là cách sống tử tế.
Hình ảnh tấm áo xanh tình nguyện vẫn ngập tràn khắp các bản làng.
Bạn cho rằng nhà báo Hoàng hoàn toàn đơn độc? Không đâu, người cứu anh lại chính là một cậu bé, vẫn có người tốt đưa tay ra giúp anh trong lúc gian nguy nhất.
Bạn cho rằng, sự tử tế tưởng chừng đang bị mai một? Nếu nhìn vào xã hội rộng lớn bạn sẽ thấy, người tốt nhiều lắm, tình người vẫn tồn tại trong cuộc sống xung quanh ta và sự tử tế đang lan rộng trong cộng đồng.
Tại phiên họp Chính phủ ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói lời chúc đến các thành viên Chính phủ:“Làm sao ráng làm được theo tên chương trình như anh Trần Bình Minh (Tổng giám đốc VTV) nói là ‘Người tử tế’. Sống tử tế”. Chắc chắn rằng, lãnh đạo sống tử tế thì người dân sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Còn theo bạn, sống tử tế là gì? Và bạn có phải là người tử tế không?
Bình Nguyên