Bản quyền số: Khi bài ca thiêng liêng buộc phải câm lặng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Xuất phát từ việc người hâm mộ bóng đá Việt Nam không được nghe Quốc ca Tổ quốc trước giờ lăn bóng ngày 6/12/2021 trong trận cầu phát trên nền tảng YouTube, đã có một làn sóng phẫn nộ từ dư luận nhắm vào đơn vị BH Media và Hồ Gươm Audio, các tổ chức trước đó đã tuyên bố nắm giữ bản quyền đối với bản ghi Quốc ca. Đây vẫn tiếp tục là một hành động trục lợi trắng trợn hay là lỗ hổng của hệ thống bản quyền?
Ảnh: searchengineland
Ảnh: searchengineland

Với công dân của bất kỳ quốc gia nào, bài ca đầu tiên cần biết đến chính là Quốc ca, nhạc phẩm vĩ đại và thiêng liêng của cả dân tộc. Việc không thể nghe nhạc khúc hào hùng ở một số video trên nền tảng YouTube, cũng như biết tin bài hát đại diện cho đất nước lại thuộc về một doanh nghiệp đã khiến rất nhiều người dân cảm thấy vô cùng phi lý, thậm chí phản ứng hết sức dữ dội.

Bản quyền số: Khi bài ca thiêng liêng buộc phải câm lặng ảnh 1

Việc Quốc ca bị “tắt tiếng” trong một trận đấu đã gây sốc cho người dân Việt Nam. Ảnh: VTC

Trả lời báo giới, BH Media khẳng định vụ việc tắt tiếng Quốc ca trong ngày 6/12 vừa qua không liên quan đến hãng và Hồ Gươm Audio. Hãng này đưa ra phỏng đoán đơn vị tiếp sóng trận đấu Next Sports đã tự tắt tiếng phần hát Quốc ca Việt Nam, nhằm tránh việc bản ghi Quốc ca được phát trong trận đấu bị “đánh gậy bản quyền”, dẫn đến việc chia sẻ doanh thu với chủ sở hữu bản ghi khi trận cầu phát sóng trên Youtube.

Một trường hợp tương tự từng xảy ra trước đó, trong trận Việt Nam gặp Saudi Arabia vào tối 16/11 tại sân Mỹ Đình, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu từ VTV) đã mất doanh thu vì YouTube “đánh gậy” bản ghi “Tiến quân ca” do hãng đĩa nước ngoài Marco Polo sản xuất.

Đến lúc này, người hâm mộ bóng đá nói riêng và người dân Việt Nam nói chung mới “vỡ lẽ”, hóa ra không phải “Tiến quân ca” – Quốc ca của Việt Nam, chính xác hơn là mọi bản ghi, đều được mặc định thuộc về công chúng. Cũng như không chỉ nghệ sĩ và hãng đĩa Việt Nam mới được phép sản xuất, ghi âm, ghi hình bài hát đặc biệt này.

Để làm rõ hơn cho những khúc mắc pháp lý liên quan đến vụ việc, cần bắt đầu đi từ ngọn nguồn – những đơn vị đầu tiên “dám” đăng ký bản quyền với bản ghi Quốc ca trên nền tảng YouTube: BH Media và Hồ Gươm Audio.

Vậy, BH Media và Hồ gươm Audio có những quyền nào đối với bản ghi “Tiến quân ca” sản xuất bởi Hồ Gươm Audio?

Điều 4, Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 quy định Quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm bao gồm quyền tác giảquyền liên quan đến tác giả (quyền liên quan). Theo đó, quyền tác giả của ca khúc “Tiến quân ca” thuộc về nhạc sĩ Văn Cao, còn quyền liên quan là quyền của những tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

Bản quyền số: Khi bài ca thiêng liêng buộc phải câm lặng ảnh 2

Trước khi sự cố phát sóng 6/12 diễn ra, BH Media từng gây bức xúc khi “đánh bản quyền” Quốc ca - bài hát được coi là tài sản chung của dân tộc.

Trong trường hợp này, nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng bản “Tiến quân ca” cho Tổ quốc, đồng nghĩa với việc ông đồng thuận cho công chúng (bao gồm các hãng đĩa) thực hiện các quyền như biểu diễn, ghi âm và truyền đạt tác phẩm đến công chúng.

Như vậy, hai đơn vị Hồ Gươm Audio và BH Media không có quyền tác giả đối với “Tiến quân ca”, nhưng có quyền liên quan đối với bản ghi “Tiến quân ca” được sản xuất bởi Hồ Gươm Audio. Tương tự, các đơn vị sản xuất khác, cả trong và ngoài nước (như trường hợp Hãng đĩa Marco Polo) cũng có thể tổ chức thực hiện, ghi âm tác phẩm “Tiến quân ca” và nhận quyền lợi tương đương với bản ghi của mình.

Theo Luật sở hữu trí tuệ, các đơn vị và cá nhân bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (đã thanh toán quyền tác giả hoặc được cho phép) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất. Việc các bên khác sử dụng các bản ghi âm mà không được nhà sản xuất cho phép có thể bị coi là hành vi vi phạm bản quyền đối với tác phẩm đó.

Dưới góc độ pháp lý, việc đăng ký bản quyền với bản ghi trên các nền tảng mạng xã hội và nghe – xem nhạc là bước đi tất yếu để bảo vệ một sản phẩm âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng trong kỷ nguyên số hiện tại.

Cơ chế bảo hộ quyền tác giả của YouTube hoạt động ra sao?

Với nhiều tính năng ưu việt, khả năng đáp ứng đa dạng nhu cầu, mục đích sử dụng và thị hiếu, YouTube đã trở thành mạng xã hội có khoảng 2 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn cầu. Gần đây, số người dùng YouTube ở Việt Nam cũng tăng nhanh chóng với khoảng hơn 45 triệu người đang xem - nghe YouTube. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2020 có khoảng 120.000 người Việt Nam đã đăng ký tạo video trên nền tảng YouTube, trong đó có 15.000 trang có thu tiền từ quảng cáo, 350 trang có hàng triệu người theo dõi.

Trong nỗ lực bảo vệ các sản phẩm nội dung sáng tạo của người dùng, YouTube đã áp dụng hệ thống Content ID để người dùng – chủ sở hữu bản quyền dễ dàng xác định và quản lý nội dung của mình trên YouTube. Chủ sở hữu bản quyền phải cung cấp bằng chứng về nội dung có bản quyền và việc sở hữu các quyền độc quyền đối với nội dung này. Sau đó, các video tải lên YouTube sẽ được quét đối chiếu với cơ sở dữ liệu tệp mà chủ sở hữu nội dung đã gửi cho nền tảng.

Chủ sở hữu bản quyền có thể áp dụng biện pháp xử lý khi nội dung trong một video trên YouTube trùng khớp với tác phẩm mà họ sở hữu - như chặn toàn bộ, kiếm tiền từ video đó để chạy quảng cáo (hoặc chia sẻ doanh thu với người tải video lên), hay theo dõi số liệu thống kê lượng người xem video.

Một khi Hồ Gươm Audio hay BH Media cung cấp những bằng chứng thể hiện sự đầu tư sản xuất dành cho bản ghi “Tiến quân ca” thực hiện bởi Hồ Gươm Audio, đăng ký lên hệ thống Content ID, nền tảng YouTube có thể thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm một khi các bên khác sử dụng bản ghi này mà không có sự đồng ý của Hồ Gươm Audio và BH Media. Hành vi đánh gậy bản quyền của YouTube (thậm chí xóa bỏ, tắt tiếng) lên các sản phẩm sử dụng bản ghi này là hoàn toàn tuân theo nguyên tắc nền tảng.

Trên thực tế, YouTube không có chức năng và thẩm quyền hòa giải các trường hợp kháng nghị về quyền sở hữu

Khi nhận được thông báo yêu cầu gỡ bỏ đầy đủ và hợp lệ, YouTube sẽ xóa nội dung theo yêu cầu của pháp luật. Các bên liên quan có trách nhiệm giải quyết vấn đề này trước tòa.

Nếu cho rằng nội dung được bảo vệ bản quyền của mình đã bị đăng tải trái phép lên YouTube, chủ sở hữu hợp pháp theo Luật quy định có thể gửi yêu cầu gỡ bỏ thông qua biểu mẫu trên YouTube. Đây sẽ là bước khởi đầu cho một quy trình pháp lý.

Bản quyền số: Khi bài ca thiêng liêng buộc phải câm lặng ảnh 3

Đồng ý gia nhập YouTube, đồng nghĩa là chúng ta buộc phải “chơi” theo luật của nền tảng này.

Về vấn đề bản quyền và những khiếu nại đi kèm, YouTube nhấn mạnh rằng trước khi gửi yêu cầu gỡ bỏ, người khởi kiện cần nắm rõ về Các trường hợp ngoại lệ về bản quyền (Sử dụng hợp lý – Fair Use) và cần cung cấp thông tin cá nhân/tổ chức – chủ sở hữu bản quyền một cách minh bạch.

Sử dụng hợp lý (Fair Use) là luật của Hoa Kỳ cho phép sử dụng lại tài liệu được bảo vệ bản quyền trong một số trường hợp nhất định mà không cần xin phép chủ sở hữu bản quyền. Đây một nguyên tắc cơ bản trong pháp luật về sở hữu trí tuệ, và là một trong những giới hạn của luật bản quyền nhằm hướng đến cân bằng lợi ích của người nắm giữ bản quyền và lợi ích của xã hội, của cộng đồng trong việc phân phối và sử dụng rộng rãi hơn các sản phẩm của lao động sáng tạo bằng cách cho phép việc sử dụng được coi là xâm phạm các tác phẩm đã được bảo hộ nhưng sử dụng ở mức độ hạn chế thì không coi là xâm phạm.

Tại Việt Nam, các trường hợp sử dụng tác phẩm không cần xin phép, không cần trả tiền được liệt kê trong Khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ.

Người gửi yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền cần cung cấp đầy đủ Thông tin cá nhân của chủ sở hữu hợp pháp (cá nhân hoặc tổ chức). Tên của chủ sở hữu bản quyền là một phần bắt buộc trong hồ sơ công khai để có thể hoàn tất việc gửi yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền. Thông tin này có thể được chia sẻ với người đăng tải video bị gỡ bỏ do vi phạm bản quyền để hai bên có thể xử lý hòa giải hoặc tiến hành kiện tụng pháp lý.

Hồ Gươm Audio và BH Media có quyền liên quan đối với bản ghi “Tiến quân ca” sản xuất bởi Hồ Gươm Audio, vậy nên Youtube chỉ có thể xem xét xử lý khiếu nại khi một cá nhân/tổ chức nào khác chứng minh được rằng bản quyền của bản ghi đó thuộc về họ. Cá nhân hoặc tổ chức đó cũng cần chuẩn bị hồ sơ tài liệu chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với bản ghi đó trong trường hợp phải hầu tòa.

Đối với trường hợp này, dù đã gây bức xúc trong dư luận một thời gian, nhưng Youtube dường như chưa tìm thấy nền tảng hay cơ sở pháp lý nào để hủy bỏ quyền “đánh gậy” của Hồ Gươm Audio hay BH Media trên nền tảng.

Ngày 7/12/2021, trang facebook chính thức của VFF đã tuyên bố “sẽ gửi bản thu âm Quốc ca mới cho cho ban tổ chức AFF Suzuki Cup 2020”, nhấn mạnh “Bản thu âm này được sử dụng trong các nghi lễ quốc gia của Việt Nam”. Đây được cho là nước đi hợp lý ở thời điểm hiện tại, nhưng cần nhiều hành động hơn để tránh những trường hợp tương tự xảy ra về lâu dài.

Trên thực tế, còn nhiều bản ghi “Tiến quân ca” khác đang được sử dụng rộng rãi, trong khi người sử dụng/người nghe có thể không ý thức được mình đang sử dụng/nghe bản ghi được đầu tư chất xám, tiền bạc của hãng thu âm nào. Nếu các hãng đĩa đều tiến hành đăng ký bản quyền đối với bản ghi của mình trên Youtube hoặc nền tảng khác, câu chuyện này rất có thể sẽ lặp lại.

Trên thế giới không thiếu những trường hợp Quốc ca bị xâm phạm?

Tình trạng “đánh gậy” các video chứa Quốc ca thực ra không phải chuyện hiếm gặp trên YouTube. Trong năm 2019, một vụ việc tương tự đã từng xảy ra với đất nước Kenya.

Cụ thể, 2nacheki - một trong những kênh YouTube có nhiều lượt theo dõi nhất tại châu Phi - đã từng thực hiện một video xếp hạng các bài quốc ca hay nhất ở lục địa này. Nhưng khi sản phẩm hoàn thành và được đăng tải lên YouTube, 2nacheki liền bị nền tảng này từ chối kèm theo một cảnh cáo về hành vi vi phạm bản quyền.

Theo nhân viên của 2nacheki, đoạn nhạc được cho là vi phạm nói trên thuộc về ca khúc “Ee Mungu Nguvu Yetu” (Lạy Chúa, sức mạnh của chúng con), Quốc ca của Kenya. Cùng với lời cảnh cáo, 2nacheki còn nhận được thư thông báo từ YouTube với đại ý rằng nhà phát hành AdRev đã khiếu nại về việc xâm phạm bản quyền bài “Ee Mungu Nguvu Yetu”, thay mặt cho De Wolfe Music, một hãng thu âm lớn có trụ sở tại Anh quốc.

Khi biết tin bài quốc ca thiêng liêng “rơi vào tay một doanh nghiệp nước ngoài”, người dân Kenya đã bị sốc. Một số thậm chí đã tổ chức một cuộc “tấn công trực tuyến” nhằm vào các kênh truyền thông trực thuộc De Wolfe.

Trước những phản đối dữ dội đến từ châu Phi, ông Warren de Wofle, giám đốc của hãng thu âm phải nhấn mạnh rằng công ty của ông không sở hữu bản quyền Quốc ca Kenya và cũng không bao giờ có thể đăng ký bản quyền đối với sản phẩm này.

Chúng tôi không sở hữu, cũng chưa từng tuyên bố sở hữu bản quyền đối với nhạc khúc ‘Ee Mungu Nguvu Yetu’. Chúng tôi có bản ghi âm của tác phẩm này, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng tôi yêu cầu quyền sở hữu hay đăng ký sử dụng bài hát trên phạm vi toàn thế giới.

Giám đốc Warren de Wofle, Hãng thu âm De Wofle Music.

Bản quyền số: Khi bài ca thiêng liêng buộc phải câm lặng ảnh 4

Trước Việt Nam, người dân Kenya từng chịu cú sốc khi đột ngột biết Quốc ca đã bị “đánh cắp”. Ảnh: cloudfront

Là cơ quan đại diện đất nước giải quyết vụ việc, Hội đồng Bản quyền Kenya (KECOBO) tuyên bố rằng khiếu nại về bản quyền của AdRev là hoàn toàn không hợp lệ, thêm vào đó, họ cũng bác bỏ khiếu nại tương tự từ phía YouTube với 2nacheki.

Cơ quan này cũng lưu ý họ sẽ thực hiện các sửa đổi đối với Đạo luật bản quyền trong nước để đảm bảo luôn có sự theo dõi việc sử dụng các biểu tượng, tác phẩm có liên quan tới đất nước Kenya. Đồng thời, KECOBO bắt tay vào nghiên cứu các điều khoản và điều kiện của YouTube với mục đích yêu cầu nền tảng này xóa bỏ tất cả nội dung sử dụng Quốc ca Kenya của De Wofle Music cũng như của các tổ chức khác.

Một trường hợp tương tự liên quan đến bản quyền quốc ca trên YouTube đã diễn ra vào năm 2013, khi Sony yêu cầu nền tảng này công nhận bản quyền cho một danh sách các bài hát do họ tự sản xuất. Điều đáng nói là trong danh sách này bao gồm cả bản ghi cho “Hymn to Liberty” (Thánh ca cho tự do), Quốc ca chính thức của Hy Lạp.

Yêu cầu của Sony đã ngay lập tức vấp phải sự phẫn nộ của chính phủ và người dân đến từ quốc gia ven bờ Địa Trung Hải. Cuối cùng, Sony buộc phải từ bỏ ý muốn “đánh gậy” bản ghi này trên YouTube do không muốn bị tẩy chay ở thị trường Hy Lạp.

Có những điều luật và quy định nào liên quan đến Quốc ca tại Việt Nam?

Trang facebook Thông tin Chính phủ ngày 7/12/2021 có viết:

Ca khúc “Tiến quân ca” là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VH,TT&DL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.

Trước đó, đã có một số văn bản pháp lý liên quan đến ca khúc “Tiến quân ca”, được biết đến rộng rãi là Quốc ca của Việt Nam, như tại khoản 3 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.

Ngày 21/7/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản số 975-TTg quy định Điều lệ về sử dụng Quốc ca. Ngày 02/10/2012, Bộ VH,TT&DL có hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh.

Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ VH-TT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Từ khi Website Chính phủ, trang web chính thức của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam trên mạng internet toàn cầu, ra mắt vào ngày 10/1/2006, Website Chính phủ đã được Bộ VH-TT&DL chính thức chuyển giao, công bố chính thống Quốc ca Việt Nam trên mạng internet toàn cầu. Đồng thời, một bản ghi chính thức và miễn phí cũng được đưa ra. Theo đó, mọi đơn vị, tổ chức, cá nhân đều có thể sử dụng bản ghi chính thức này theo quy định của pháp luật. Đây được nhìn nhận là bản ghi "chuẩn" có thể được sử dụng ở bất cứ sự kiện nào.

Tuy nhiên, các văn bản và tuyên bố này chưa có quy định nghiêm ngặt hỗ trợ giải quyết tranh chấp các phát sinh xoay quanh những bản ghi “ngoài chuẩn”, diễn ra trên không gian mạng, được sử dụng một cách hữu ý hay vô tình.

Chia sẻ với Ngày nay, Luật sư Lê Quang Minh, Văn phòng Luật Minervas nhận định:

Để theo kịp sự phát triển của công nghệ, tránh và giảm thiểu các rủi ro, các tranh chấp không đáng có, phục vụ nhu cầu trong nước cũng như ngoài nước, nên chăng chúng ta có thêm các quy định cụ thể hơn về quốc ca liên quan đến khía cạnh quyền liên quan, và kho các bản ghi âm bản quốc ca có thể được sử dụng, không phải xin phép, không phải trả phí.

Kết luận lại, nếu muốn xây dựng chiến lược bảo toàn, gìn giữ và phát huy giá trị của ca khúc “Tiến quân ca”, Quốc ca Việt Nam, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiến hành các thủ tục pháp lý đối với các hành vi sử dụng Quốc ca cả trên không gian mạng lẫn ngoài đời, có thể cân nhắc xác định chủ sở hữu hợp pháp, đem bản quyền của tất cả các bản ghi “Tiến quân ca” quy về một đơn vị quản lý xác định, hoặc áp dụng cơ chế Sử dụng hợp lý - Fair Use đối với toàn bộ các bản ghi của ca khúc này.

Thực hiện: Quỳnh Hoa - Nguyệt Linh

Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.