Tỉnh Tuyên Quang hiện có khoảng 450.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 76% diện tích tự nhiên, trong đó có khoảng gần 300.000ha đất rừng sản xuất; đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng với hơn 190.000ha, có gần 50.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; sản lượng khai thác khoảng trên 1 triệu khối gỗ.
Ngày 26/6/2021, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh (Khoá XVII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021- 2030; với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững găn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.
Muc tiêu chung của Nghị quyết Phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp; Nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, các tổ chức đảng và nhân dân về phát triển lâm nghiệp; phát huy hợp lý, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, gắn với phát triển du lịch, nâng cao đời sống của người trồng rừng, bảo vệ rừng; phấn đấu trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái; quá trình triển khai thực hiện được được chia làm 2 giai đoạn từ 2021- 2025 và 2026- 2030.
Thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, xác định quan điểm phát triển rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế- xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, Đảng uỷ công an tỉnh đã chỉ đạo các cấp uỷ đảng quán triệt, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 26/6/2021 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh.
Quá trình thực hiện tuần tra bảo vệ rừng. |
Các đơn vị nghiệp vụ, nhất là lực lượng công an cơ sở đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, nắm chắc tình hình, thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp với các đơn vị, cơ quan, ban, ngành tổ chức tốt phong trào toàn dân tham gia trồng, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tích cực phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân chấp hành tốt quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng với nhiều hình thức đa dạng và phong phú.
Cụ thể: Tổ chức tập huấn, diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng, biên soạn, cấp phát tài liệu tuyên truyền, tờ gấp, tài liệu Hỏi - Đáp pháp luật, tài liệu hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật; thực hiện hàng nghìn buổi tuyên truyền cho gần 200.000 lượt người về nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tham gia ý kiến, hướng dẫn xây dựng vào phương án Phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng của UBND các xã và các chủ rừng, các Công ty Lâm nghiệp; mở các lớp huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho trên cán bộ Kiểm lâm;
Bên cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh Tuyên Quang cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng chức năng thực hiện trên 600 lượt tuần tra bảo vệ rừng; tham gia các cuộc kiểm tra liên ngành do Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững tỉnh thành lập. Qua đó giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cũng như tuyên truyền giáo dục, cảnh báo, răn đe các đối tượng vi phạm, góp phần ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi, vụ việc xảy ra có liên quan.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, lực lượng Công an toàn tỉnh triển khai thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động phá hoại rừng, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép...
Diễn tập PCCC cháy tại Công ty Cổ phần Woodland Tuyên Quang. |
Cụ thể: từ năm 2017 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm và các cấp chính quyền cơ sở phát hiện, xử lý, giải quyết 371 vụ việc vi phạm các quy định về Luật Lâm nghiệp (chủ yếu là hành vi khai thác, tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép); Tang vật thu giữ trên 246,81 m3 gỗ các loại; và một số cá thể động vật hoang dã (8kg Rắn ráo, 2kg rắn sọc khoanh, 15kg rắn hổ mang Trung Quốc, 2kg rắn cạp nong, 5kg rùa sa nhân, 6kg cầy vòi mốc, 1 cá thể Rồng đất...; thu giữ 11 cưa xăng, 3 dao quắm, 1 xe thô sơ.
Cùng với công tác bảo vệ và phát triển rừng, công tác bảo đảm an ninh trật tự trong hoạt động sản xuất, chế biến gỗ luôn được Đảng uỷ, lãnh đạo Công an tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ quyết liệt triển khai thực hiện.
Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ thuộc đề án 06, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút đầu tư; tham mưu lãnh đạo cơ quan doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật như môi trường, vệ sinh an toàn lao động, thực hiện bảo đảm bảo chế độ chính sách đối với người lao động, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí khắt khe của đối tác; làm tốt công tác phối hợp với các sở ngành trong thẩm định các dự án đầu tư, chế biến gỗ, thu hút các doanh nghiệp chế biến có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm từ gỗ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đầu tư dây chuyền và đi vào sản xuất, chế biến gỗ, các sản phẩm từ gỗ như Công ty Cổ phần giấy An Hòa, Công ty Woodland, Công ty Acacia... Sản phẩm từ gỗ của Tuyên Quang đã được xuất khẩu tới nhiều nước, đặc biệt là những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thượng uý Lê Thuý Hiền
Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Tuyên Quang