Trong đó, Indonesia bắt 132 tàu (997 ngư dân); Malaysia bắt 2 tàu (17 ngư dân). Ngoài ra, 27 tàu (161 ngư dân) đã được nước ngoài phóng thích hoặc chạy thoát về nước.
Nguyên nhân của thực trạng trên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Văn Cường, do ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân còn hạn chế, vì lợi ích trước mắt đã cố tình vi phạm.
Trong khi đó, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng thời gian gần đây, lực lượng chấp pháp nước ngoài (chủ yếu là Indonesia) tổ chức bắt giữ tàu cá của ngư dân VN đang khai thác trên vùng biển chồng lấn do chưa có hiệp định phân định vùng biển. Nguyễn Văn Nhỏ, ngư dân Phước Tỉnh (Long Điền) cho biết, ngày 19/4 khi các tàu cá của ngư dân Phước Tỉnh đang đánh bắt trên vùng biển VN thì bị tàu Hải quân Indonesia sang bắt 3 tàu cá cùng ngư dân, thuyền trưởng đưa vào bờ giam giữ. “Do bất đồng ngôn ngữ, trình độ hiểu biết hạn chế nên ngư dân buộc phải ký, xác nhận vào biên bản mặc dù họ không sai. Việc bị bắt giữ ngay trên vùng biển VN gây tâm lý lo lắng, hoang mang đối với bà con ngư dân chúng tôi” – ông Nhỏ nói.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng sự hiện diện của từng chiếc tàu, từng ngư dân trên biển là một cột mốc di động khẳng định chủ quyền trên biển và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. “Điều đó rất quan trọng để xác lập chủ quyền biển đảo, chủ quyền của chúng ta trên biển Đông…Ngư dân từ một người hùng trên biển, trở thành người phạm pháp của nước bạn là điều không ổn”, ông Lĩnh chia sẻ.
Trong các giải pháp để hạn chế tình trạng bị bắt giữ, ông Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu tăng cường giám sát, quản lý hoạt động của các tàu cá xa bờ; thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân…
“Cần phải tăng cường hiệu quả của lực lượng chấp pháp trên biển để bảo vệ ngư dân, đồng thời cũng phải xử lý những ngư dân vi phạm. Những ngư dân làm ăn đàng hoàng phải được bảo vệ đến cùng, còn những người vi phạm phải xử lý và làm quyết liệt”- ông Nguyễn Hồng Lĩnh- Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu.