Múa Rom Vong cần được bảo tồn
Người Khmer Nam Bộ nói chung và tại Sóc Trăng nói riêng vốn có nền văn hóa nghệ thuật rất độc đáo, đa dạng đã phát triển khá lâu đời, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội và luôn được bảo tồn, phát huy. Người Khmer có rất nhiều điệu múa như Rom Vong (múa vòng tròn), Lăm Leo, Saravan... gọi chung là múa dân gian.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Sơn Thanh Liêm, hầu hết các điệu múa truyền thống đều có tính vui nhộn, được thể hiện qua sự phối hợp nhịp nhàng, sinh động của các động tác tay chân theo từng điệu nhạc. Các điệu múa dân gian của đồng bào Khmer có thể được trình diễn theo vòng tròn hoặc thành hàng và không giới hạn số người tham gia... Nghệ thuật múa dân gian độc đáo này đã hình thành và phát triển khá lâu đời, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội của cộng đồng người Khmer, luôn được bảo tồn và phát triển. Năm 2020, múa Rom Vong của người Khmer tỉnh Sóc Trăng được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Khmer tỉnh Sóc Trăng mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị vốn có của di sản.
Hiện nay, các phum, sóc của người Khmer Sóc Trăng vẫn vang vọng tiếng nhạc Ngũ Âm, vẫn nồng nàn điệu múa Rom Vong. Cứ vào những dịp lễ hội truyền thống của dân tộc hay nghi thức mừng nhà mới, đám cưới, Tết Chôl Chnăm Thmây..., người Khmer thường tổ chức múa Rom Vong, tạo nên không khí giao lưu phấn khởi, đoàn kết trong cộng đồng.
Dù đã trải qua hàng trăm năm, nhưng điệu múa Rom Vong uyển chuyển vẫn được nhiều người Khmer yêu thích. Người ta có thể tổ chức múa ở mọi nơi từ nơi sân khấu rực rỡ, sân chùa hay sân nhà vào những dịp tết, lễ hội. Điệu múa Rom Vong vừa dịu dàng, vừa có nét vui nhộn, được thể hiện qua sự phối hợp các động tác tay, chân kết hợp toàn thân uyển chuyển, nhịp nhàng, sinh động nên thu hút mọi người tham gia mỗi âm nhạc nổi lên.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, các bạn trẻ hiện nay đang có xu hướng “múa” theo các vũ điệu hiện đại của nước ngoài. Đây là điều đáng lo ngại nhất trong quá trình bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Khmer. Bên cạnh đó, quá trình người Khmer tiếp nhận văn hóa dân tộc Kinh đang diễn ra khá mạnh, nhất là trong hội nhập kinh tế, nâng cao đời sống vật chất. Điều này đã và đang kéo theo sự mai một của văn hóa truyền thống dân tộc Khmer, trong đó có loại hình nghệ thuật múa dân gian.
Đa dạng các hình thức bảo tồn
Trên phương diện quản lý Nhà nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, đoàn thể, tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nghệ thuật Múa Rom Vong. Đồng thời, tỉnh đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa Nghệ thuật Múa Rom Vong. Các sở, ban ngành và chính quyền địa phương nơi có di sản tăng cường phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc tài trợ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tôn vinh những nghệ nhân, các tổ chức, cá nhân có công trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước cấp cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh còn đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, đầu tư kinh phí, thiết bị, kỹ thuật... cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Múa Rom Vong.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng khẳng định, chủ trương của ngành luôn tích cực hỗ trợ các chùa Khmer trong tỉnh xây dựng thành các tụ điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng, nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn các loại hình di sản văn hóa truyền thống đặc trưng và phát hiện những tài năng mới cho văn hóa, nghệ thuật dân tộc.
Ở góc độ chuyên môn, tỉnh nghiên cứu, đề xuất chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân nắm giữ và truyền dạy các điệu Múa Rom Vong trong cộng đồng; tiếp tục tuyên truyền giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị của di sản, qua đó nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản, môi trường, không gian, cảnh quan tự nhiên, những phong tục tập quán... gắn với sự tồn tại và phát triển của di sản.
Cùng đó, tỉnh khảo sát, lựa chọn địa điểm tổ chức truyền dạy Múa Rom Vong. Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng hai câu lạc bộ, tùy theo tình hình thực tế của địa phương; tổ chức truyền dạy Múa Rom Vong tại cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ huyện, thị, thành phố xây dựng mô hình điểm truyền dạy Múa Rom Vong nhằm nhân rộng mô hình cho các địa phương khác trong huyện học tập.
Sóc Trăng còn tổ chức bảo tồn theo hướng “bảo tồn sống” tại cộng đồng. Cộng đồng dân cư là chủ thể của di sản trực tiếp bảo tồn theo truyền thống và có thể tạo thành sản phẩm phục vụ, khai thác du lịch nhằm tạo ra nguồn thu từ chính di văn hóa truyền thống của địa phương. Tỉnh tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn Múa Rom Vong và phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức liên hoan giao lưu nghệ thuật.
Tỉnh tăng cường quảng bá, giới thiệu giá trị của Di sản văn hóa Nghệ thuật Múa Rom Vong trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng; duy trì hiệu quả Cổng thông tin du lịch, chuyên mục trên website Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt, tỉnh quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa của địa phương đến du khách trong nước và quốc tế. Tỉnh củng cố, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn phục vụ công tác quản lý di sản với sự hỗ trợ của các cơ quan, nhà khoa học trong và ngoài nước.