Thống kê của FiinGroup đến ngày 31/7/2021, 26 Ngân hàng thương mại (chiếm 99,5% vốn hóa ngành) đã công bố kết quả kinh doanh, hoặc ước tính cho quý 2/2021. Số liệu cho thấy các ngân hàng thương mại tăng trưởng rất mạnh.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.938 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do phải trích lập dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động tăng mạnh.
Tương tự, Vietinbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 2.800 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước, và chỉ bằng 56% so với dự kiến đề ra. BIDV ngược lại với 2 ngân hàng lớn trên, lợi nhuận tăng tới 86% trong quý 2, đạt 4.726 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vietinbank là 11.536 tỷ đồng, còn BIDV đạt 8.122 tỷ đồng
Khối NH tư nhân có Techcombank, VPBank vượt mặt 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Quý 2, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng, VPBank 5.031 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, hai nhà băng này đạt lợi nhuận lần lượt 11.536 tỷ đồng và 9.037 tỷ đồng. Techcombank vươn lên vị trí thứ 2, VPBank đứng thứ 4.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Saigonbank là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 137 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành xong kế hoạch cả năm. Đây cũng là NH cổ phần đầu tiên, tuy nhiên đến nay vốn điều lệ lại khiêm tốn nhất hệ thống - 3.080 tỷ đồng.
Một số NH cổ phần nhỏ và vừa ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 3-5 lần, như NH TMCP Hàng hải Việt Nam MSB (3.119 tỷ đồng), lần đầu lọt nhóm 10 nhà băng dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành. Nhóm 10 NH lãi lớn, còn có Ngân hàng TMCP Quân đội MBBank (7.986 tỷ đồng), Ngân hàng TPCM Á Châu ACB (6.352 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM HDBank (4.193 tỷ đồng), Ngân hàng Quốc tế VIB (3.954 tỷ đồng).
Theo nhóm phân tích của giới chuyên gia tài chính, các ngân hàng tư nhân có thể tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nhóm quốc doanh, do nhóm 4 ngân hàng TMCP lớn chịu áp lực giảm lãi suất cho vay, giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dịch bệnh khiến lãi suất huy động, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng, qua đó giúp biên độ lãi ròng (NIM) cải thiện, và lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, lợi nhuận NH đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng. Nếu khách hàng không trả được nợ thì NH phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa.