Khởi điểm của chủ nghĩa tình nguyện
Trận động đất Kobe khiến 6.398 người chết, 3 người mất tích, 40.082 người bị thương, gần 248.388 công trình và 446.485 nhà dân bị phá hủy. Vào những lúc cao điểm, có đến 316.678 người phải sống trong lều trại tạm bợ. Đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất xảy ra tại Nhật Bản kệ từ sau Chiến tranh Thế giới II.
Nhưng một điều tích cực mà trận động đất mang lại là sự nổi lên của phong trào tình nguyện trên khắp đất nước, biến năm 1995 trở thành năm “khởi nguồn của chủ nghĩa tình nguyện Nhật Bản”.
Hàng trăm nghìn người dân đã đổ tới những khu vực bị ảnh hưởng. Trong khi chính quyền còn đang lúng túng, thì các công dân Nhật Bản cùng các tổ chức tình nguyện đã bắt tay vào việc giải cứu những người kẹt dưới đống đổ nát, sơ cứu và chăm sóc y tế cho những người bị thương, giúp những người mất nhà cửa tới nơi ở tạm thời, vận chuyển và phân phối hàng cứu trợ, lập những bếp ăn dã chiến, kiểm tra kết cấu các tòa nhà, dọn dẹp đất đá và động viên về tinh thần cho những người sống sót. Trong tháng đầu tiên sau vụ động đất, mỗi ngày có trung bình 20.000 tình nguyện viên làm việc tại hiện trường. Tổng cộng trong hai tháng đầu tiên, những tình nguyện viên đã dành đến 1 triệu ngày công để giúp đỡ các nạn nhân khắc phục hậu quả.
Trước khi những điều này xảy ra, người Nhật quan niệm rằng chủ nghĩa tình nguyện và khu vực phi lợi nhuận là một ý tưởng xa lạ đến từ phương Tây và sẽ không thể phát huy hiệu quả ở Nhật Bản. Đây là công việc của chính phủ, và người dân không cần bận tâm về điều này.
Nhưng trận động đất Kobe đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm này. Trận động đất cho thấy chủ nghĩa tình nguyện hoàn toàn có thể phát huy hiệu quả ở Nhật, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp khiến chính quyền không kịp trở tay. Nhìn lại, chính phong trào tình nguyện Kobe đã báo hiệu cho một xu hướng phát triển xã hội mới ở Nhật Bản. Nó cũng báo hiệu cho một loạt diễn biến xảy ra sau đó ở Nhật Bản: suy thoái kinh tế, dân số già, xã hội trì trệ và hàng loạt những sáng kiến dân sự ra đời để chống lại những diễn biến này.
Luật Thúc đẩy Hoạt động Xã hội 1998
Vài tuần sau khi xảy ra trận động đất ở Kobe, quốc hội Nhật Bản bắt đầu những cuộc thảo luận về đạo luật mới để thúc đẩy phong trào tình nguyện. Tháng 2 năm 1995, chính phủ thành lập Ủy ban Điều phối các cơ quan Chính phủ về Tình nguyện để điều phối 18 bộ và cơ quan có liên quan. Người dân và các tổ chức phi lợi nhuận thành lập Hội đồng Điều phối các Hệ thống Hoạt động Dân sự vào tháng 4 năm 1995 để thúc đẩy việc thông qua đạo luật mới.
Vào thời điểm đó, Nhật Bản không có khung pháp lý cho việc thành lập các tổ chức dân sự quy mô nhỏ. Các tổ chức phục vụ lợi ích cộng đồng và các nhóm phi lợi nhuận khác đều phần nào do chính phủ điều hành. Để đăng ký thành lập, các tổ chức cần sự phê chuẩn của các cơ quan chính phủ và phải sở hữu một lượng tài sản tối thiểu - thông thường là hàng trăm triệu yen. Sau trận động đất Kobe, dư luận bắt đầu thảo luận về tầm quan trọng của việc tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn để các tổ chức dân sự quy mô nhỏ có thể hoạt động.
Dự luật Thúc đẩy Hoạt động Xã hội được các nghị sĩ Nhật Bản đề xuất vào tháng 12 năm 1995, và được thông qua vào tháng 1 năm 1998. Thông thường, các dự luật tương tự phải mất từ 5 đến 10 năm thảo luận trước khi được thông qua. Tuy nhiên, nhờ ảnh hưởng từ phong trào tình nguyện sau động đất Kobe, dự luật này được thông qua chỉ sau 3 năm. Với hàng chục trung tâm hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận được lập ra trên khắp đất nước, Nhật Bản ngày nay đã xây dựng được một hạ tầng vững mạnh để phục vụ hoạt động của các tổ chức dân sự và phi lợi nhuận.
Từ cứu trợ tới xây dựng xã hội đa văn hóa
Có tất cả 453 nhóm tình nguyện dân sự đã tham gia hỗ trợ các nạn nhân của trận động đất ở Kobe năm 1995. Họ đã hoàn thành được những sứ mệnh quan trọng, trong đó, một số nhóm tình nguyện hỗ trợ người nước đã không chỉ cứu giúp những nạn nhân động đất mà đã đặt những viên gạch nền tảng để gây dựng một xã hội đa văn hóa.
Trận động đất Kobe gây thiệt hại nhiều nhất cho những người yếu thế. Khi trận động đất xảy ra, có hơn 44.000 người nước ngoài đang sống ở Kobe. Trong số đó có 150 người thiệt mạng. Trong khi người nước ngoài chỉ chiếm 2,91% dân số Kobe, số người nước ngoài thiệt mạng chiếm tới 3,94%. Rất nhiều người trong số họ là người cao tuổi di cư từ Triều Tiên và Trung Quốc trước Chiến tranh Thế giới II. Cũng có nhiều nạn nhân là người nước ngoài mới đến Nhật gồm có người tị nạn, du học sinh và lao động xuất khẩu, chủ yếu đến từ Nam Mỹ, Đông Nam Á, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Người tị nạn và người mới nhập cư thường ít tham gia vào các tổ chức cộng đồng sẵn có. Với rào cản ngôn ngữ, họ thậm chí còn khó có thể hiểu được những gì đang diễn ra xung quanh. Một số người khác có vấn đề về hồ sơ nhập cư và không được tiếp cận bảo hiểm y tế hoặc các khoản hỗ trợ sau thiên tai của chính phủ.
Các nhóm dân sự hỗ trợ người nhập cư nhanh chóng hành động. Năm ngày sau khi trận động đất xảy ra, họ thành lập Trung tâm Thông tin Động đất cho Người nước ngoài để cung cấp thông tin hỗ trợ cho các nhóm thiểu số. Trung tâm vận hành các đường dây nóng và phát hành các bản tin bằng 13 thứ tiếng. Các phiên dịch viên tình nguyện giúp người nhập cư xin trợ cấp chính phủ và giải quyết các vướng mắc hàng ngày. Đến cuối năm 1995, trung tâm được nâng cấp thành Trung tâm Thông tin và Hỗ trợ Đa văn hóa (CMIA) với một mục đích sâu rộng hơn: Xây dựng một xã hội đa văn hóa.
CMIA trong những năm sau đó đã nhanh chóng trở thành một tổ chức ở quy mô quốc gia với trụ sở ở nhiều thành phố lớn, cung cấp đường dây nóng đa ngôn ngữ, hỗ trợ tài chính cho phụ nữ nhập cư có con nhỏ, kiểm tra sức khỏe và tư vấn miễn phí. CMIA cũng xuất bản các ấn phẩm đa ngôn ngữ, sản xuất các chương trình phát thanh và đào tạo các nhân viên công tác xã hội đa văn hóa.
Trở lại với thời điểm sau trận động đất. Trong số các khu vực của Kobe, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Khu Nagata, nơi tập trung nhiều người nhập cư thu nhập thấp. Tỉ lệ người nước ngoài ở đây là 7,9%, trong đó đông nhất là người Hàn Quốc và người Việt Nam, bên cạnh đó là người từ 26 quốc tịch khác. Tại Nagata, hơn 12.000 ngôi nhà bị sụp hoàn toàn, 4.000 ngôi nhà khác bị cháy rụi. Có tới 65% công trình ở khu vực này không thể tiếp tục sử dụng. Số người chết là 735, trong đó có 59 người nước ngoài.
Trong khi phần lớn người Nhật Bản tới sơ tán tại các trường học và các khu tạm trú công cộng, nhiều người Việt Nam tới ở tạm tại các công viên lân cận.
Có nhiều lý do để các nạn nhân người Việt trong trận động đất ở Kobe lựa chọn sống trong công viên. Do không quen sống chung với động đất, họ lo sợ các cơn dư chấn và không dám tiếp tục ở trong các tòa nhà. Họ cũng không cảm thấy thoải mái khi ở những khu tạm trú công cộng, nơi người Nhật chiếm đa số. Bởi vậy, những cộng đồng nhỏ tự hỗ trợ lẫn nhau đã mọc lên trong công viên.
Nhiều tháng sau trận động đất, khi những người Nhật Bản đi sơ tán đã tới sống ở những ngôi nhà tái định cư tạm thời, người Việt vẫn tiếp tục sống trong các cộng đồng trong công viên, được gọi là các “cộng đồng lều trại”.
Các tình nguyện viên Nhật Bản nhanh chóng tiếp cận các “cộng đồng lều trại”. Họ thành lập Hội đồng Cứu trợ nạn nhân người Việt Nam để hỗ trợ các cộng đồng này. Giới truyền thông vào cuộc và đưa tin về cuộc sống khó khăn trong các lều trại, khiến luồng hàng cứu trợ nhân đạo tới khu vực này đôi khi nhiều hơn hàng cứu trợ cho ngư
ời Nhật Bản. Điều này vô hình chung đã dẫn đến những sự cố xích mích giữa các cộng đồng.
Để giải quyết mâu thuẫn này, những người sơ tán tại công viên đã tổ chức các cuộc họp mặt để thúc đẩy sự cảm thông giữa các cư dân Việt Nam và Nhật Bản đang tạm trú tại đây. Họ quyết định thành lập một hội đồng tự quản chung bao gồm đại diện của cả hai nền văn hóa để điều hành cộng đồng lều trại.
Hội đồng Cứu trợ nạn nhân người Việt Nam sau này đã sáp nhập vào một nhóm cứu trợ khác để thành lập Trung tâm Hỗ trợ Cư dân nước ngoài Kobe (KFC), với sứ mệnh không chỉ cứu trợ mà còn giúp đỡ và bảo vệ lợi ích cho mọi cư dân nước ngoài sống ở Kobe.
Kế hoạch Khu phố Á châu
Từ những nỗ lực của các tổ chức dân sự này, ý tưởng về một Phố Á châu đã được ấp ủ. Đầu năm 1996, Hội đồng Xúc tiến Khu phố Á châu Kobe được thành lập với sứ mệnh xây dựng một cộng đồng đa văn hóa thịnh vượng ở Nagata.
Khởi đầu là ý tưởng về một Phố Hàn Quốc dành riêng cho các thương gia ngành giày dép đến từ Hàn Quốc. Nhưng khi trận động đất xảy ra, tình đoàn kết của người Nhật, người Việt và người đến từ nhiều nền văn hóa khác đã được minh chứng thông qua hoạt động chung tay cứu trợ người bị nạn và tái thiết thành phố. Từ đó, ý tưởng về Phố Hàn Quốc được mở rộng thành Khu phố Á châu.
Hội đồng Xúc tiến Khu phố Á châu đặt ra những mục tiêu rất tích cực như nghiên cứu về các di sản văn hóa châu Á ở Nagata, lắp đặt các biển chỉ dẫn và tên đường bằng nhiều ngôn ngữ, phủ xanh Nagata bằng các loại cây đến từ khắp nơi ở châu Á, tạo ra một trung tâm văn hóa xã hội và một điểm đến du lịch hấp dẫn, xây dựng các hạ tầng giao lưu văn hóa như nhà hát, sân khấu, bảo tàng, cung cấp dịch vụ y tế và tư vấn đa ngôn ngữ… Hội đồng Xúc tiến Khu phố Á châu cũng tổ chức các sự kiện văn hóa và kinh tế như lễ hội, hòa nhạc, hội chợ ẩm thức, các lớp dạy nấu ăn và các diễn đàn giáo dục.