Cụ thể, chiều 29/4, máy bay A321 của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay số hiệu VN 7344 từ TP.HCM đi Cam Ranh đã hạ cánh nhầm xuống đường băng số chưa đưa vào khai thác tại cảng hàng không Cam Ranh.
Sự cố được xác định ở mức độ nghiêm trọng nhóm B, chỉ xếp sau nhóm A – tai nạn. Kết quả điều tra cho thấy lỗi thuộc về tổ bay khi hạ cánh xuống đường băng không được chỉ định.
Người điều khiển tàu bay hạ cánh là cơ phó người Việt Nam, cơ trưởng người Mỹ thực hiện nhiệm vụ quan sát và cảnh báo.
Việc không có biển báo rõ ràng đường băng hiện hữu khai thác và đường băng không khai thác cũng được cho là nguyên nhân gây ra sự cố.
Mới đây, trưa 25-12, chuyến bay VJ689 của Vietjet bằng máy bay A320 cất cánh từ Cam Ranh đi Tân Sơn Nhất cũng có cảnh báo kỹ thuật. Tổ bay quay lại hạ cánh xuống Cam Ranh nhưng đáp nhầm xuống đường băng chưa đưa vào khai thác.
Hành khách sau đó an toàn xuống nhà ga và được bố trí bay chuyến kế tiếp theo trong ngày. Đây là hãng hàng không thứ hai ở Việt Nam gặp tình huống phi công đáp nhầm xuống đường băng mới 02 này.
Đêm 29-11, máy bay A 321 Neo của Vietjet thực hiện chuyến bay VJ 356 từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột đã gặp sự cố nghiêm trọng văng 2 bánh trước trong lúc hạ cánh. Vụ việc khiến một số hành khách bị thương.
Trước đó, sự cố nghiệm trọng tương tự cũng từng xảy ra với các chuyến bay của Vietnam Airlines. Cụ thể, tối 16-7, máy bay A321 của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay VN 1266 từ TP.HCM đi Vinh đã đã hạ cánh lệch đường băng sân bay Vinh trong lúc mưa to khiến máy bay nổ lốp, hỏng càng.
Sự cố khiến sân bay này phải đóng cửa trong 11 giờ đồng hồ, ảnh hưởng tới hoạt động khai thác tại đây.
Sự cố này được xếp vào nhóm C, mức độ nghiêm trọng cần phải điều tra.
Tiếp đó, ngày 28/7, máy bay Airbus A321 của Vietnam Airlines từ Huế đi Nội Bài đã hạ cánh lệch vị trí quy định tại sân bay Nội Bài trong điều kiện thời tiết xấu. Bụng và càng máy bay có nhiều vét cày xước mạnh và hư hỏng.
Bên cạnh những sự cố liên quan tới kỹ thuật, an toàn bay thì những sự cố liên quan tới an toàn an ninh hàng không tại khu vực sân bay cũng rất đáng báo động. Điển hình là vụ người tâm thần “đột nhập” sân bay Vinh (Nghệ An) hồi tháng 3/2018. Nam thanh niên bị bệnh tâm thần đã đột nhập vào sân bay Vinh rồi đi lên máy bay Vietnam Airlines đang chuẩn bị cất cánh ở sân bay này. Sau khi đột nhập vào sân bay Vinh, nam thanh niên này đã lên tàu bay của Vietnam Airlines – chuyến bay mang số hiệu VN1265, đi lại trong máy bay. Tiếp viên trưởng phát hiện người này không có thẻ lên máy bay nên đã phối hợp với nhân viên kiểm soát an ninh áp giải người này xuống khỏi tàu bay.
Sự việc mặc dù không gây thiệt hại nhưng cho thấy nguy cơ mất kiểm soát an toàn an ninh hàng không tại khu vực sân bay, “gây sốc” trong dư luận.
Trước nguy cơ mất an ninh, an toàn hàng không, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra toàn bộ quy trình, quy định trong lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay, đặc biệt là khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ) và hệ thống quản lý hoạt động bay; tuyệt đối không để xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, mặc dù số lượng máy bay và hoạt động bay tăng mạnh nhưng ngành hàng không Việt Nam đã liên tiếp giữ vững thành tích 20 năm liên tục không để xảy ra tai nạn thiệt hại về người hoặc thiệt hại lớn về tài sản.
Theo số liệu của tổng cục thống kê, 9 tháng đầu năm 2018, ngành hàng không Việt Nam đã vận chuyển 37,9 triệu lượt khách, tăng 13%. Vận tải hàng hóa bằng đường hàng không 9 tháng đạt 265,8 nghìn tấn, tăng 18,6%.
Việt Nam hiện có 21 sân bay đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 75 triệu lượt khách/năm. Với 4 hãng hàng không đang hoạt động là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways vừa được cấp phép.