Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, nơi cấp cứu kịp thời cháu N. |
Theo chia sẻ của gia đình, N. là chị cả trong gia đình hai có hai chị em gái. Cha mẹ ly hôn, N. sống với cha và bà nội, còn em gái sống cùng mẹ. N. học lớp 7, với thành tích học tập khá, chỉ định là lớp phó học tập. Bên cạnh việc học tập, cùng với trách nhiệm cán bộ lớp của mình, N. có mâu thuẫn với một số bạn học. Dần dần, N. bị tẩy chay, bị các bạn cô lập và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội Facebook bằng các hội nhóm, bài viết nói xấu.
N.T.N sau khi được các bác sĩ cấp cứu. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cung cấp. |
Phải chịu nhiều áp lực, N. đã từng kiệt sức và ngất xỉu trước đó tại trường vào học kỳ 1. Thế nhưng, câu chuyện phán xét và tẩy chay vẫn cứ tiếp diễn, trong một phút nghĩ quẩn, N. đã chọn cách uống thuốc diệt cỏ.
Sau khi uống khoảng 200cc thuốc diệt cỏ Bassa enobucarb Pertrang 50 EC (hoạt chất Carbamat), N. có biểu hiện nôn ói liên tục. Em gọi bà nội kể lại sự việc vì sợ chết. Khi được đưa đến bệnh viện địa phương, em đã có biểu hiện lơ mơ, mê dần, tím tái, thở yếu, tăng tiết đàm nhớt, đồng tử hai bên co nhỏ và sau đó được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM để cấp cứu.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng xác định N. bị ngộ độc thuốc trừ sâu rầy nhóm phospho hữu cơ, nhanh chóng cho thở máy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để hấp thu độc chất và điều trị thử thuốc giải độc atropine tiêm tĩnh mạch, thấy có đáp ứng với điều trị.
Đến nay, sau gần một tuần điều trị, tình trạng của N. đã qua cơn nguy kịch, được cai máy thở, tỉnh táo, tuy nhiên vẫn phải theo dõi, điều trị đặc biệt. Theo bác sĩ điều trị, khi tỉnh táo, N. được trò chuyện với bác sĩ tâm lý, em đã khóc và biết trân trọng mạng sống hơn.
Dẫu vui mừng vì con đã qua cơn nguy kịch nhưng phụ huynh em N. vẫn còn lo lắng về khả năng hồi phục tâm lý của N.
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ (Khoa hồi sức tích cực) nhắn nhủ: “Các bạn nhỏ đã đang và sắp có ý muốn tự có thể không cầu xin sự giúp đỡ, nhưng không có nghĩa họ không muốn được giúp đỡ. Hầu hết các con em không muốn chết, họ chỉ không muốn phải khổ sở nữa mà thôi.
Phòng chống tự sát bắt đầu bằng việc nhận biết những dấu hiệu cảnh báo và tầm quan trọng của chúng. Nếu bạn nghĩ người thân hay bạn bè của mình đang có ý định tự vẫn, có thể bạn sẽ ngại không muốn nhắc đến chuyện đó. Nhưng việc nói chuyện một cách thẳng thắn về những cảm xúc và ý muốn tự sát có thể cứu được người. Và chính bố mẹ là những người bạn thân nhất, gợi mở tốt nhất cho tâm hồn đang bị trói buộc và những câu chuyện thầm kín nhất của con trẻ.”
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ (Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng thành phố).