“Bến đỗ” của quan chức, doanh nhân về hưu
Theo thống kê, trong số 25 Liên đoàn Hiệp hội – Thể thao thao Quốc gia hiện tại có tới 16 vị Chủ tịch là quan chức Nhà nước hay lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước đã nghỉ hưu hay sắp nghỉ hưu. Có người chuẩn bị nghỉ hưu vẫn vui vẻ nhận lời, chính xác hơn còn rất chủ động, để nhận lời làm Chủ tịch, dù thừa biết mình có thể làm gì. Có người đã hưu trí rất lâu cũng… không từ chối sự tái cử hay thậm chí làm Chủ tịch lần đầu, bất chấp hiệu quả sẽ như thế nào.
Từ một số trường hợp điển hình, người ta còn nói về hiện tượng hưu trí kiểu thể thao. Có nghĩa là, lãnh đạo của ngành thể thao và lĩnh vực liên quan, trước khi nghỉ hưu đã thu xếp sẵn cho mình một vị trí ở một hay một vài tổ chức xã hội - nghề nghiệp thể thao.
Tính đến thời điểm này có 7 trong tổng số 25 tổ chức xã hội - nghề nghiệp thể thao quốc gia có Chủ tịch là doanh nhân, gồm các Liên đoàn bóng đá, cờ vua, điền kinh, boxing, bóng rổ, bóng chuyền và golf. Đây được coi như một tín hiệu tích cực song rất đáng tiếc chưa trở thành một xu thế trong việc tìm kiếm, mời chọn Chủ tịch của ngành thể thao và các Liên đoàn- Hiệp hội.
Ở đây phần nào đó, họ đã nhìn nhận đó chỉ là một “bến đỗ” để tiếp tục có được danh vị, vai trò cùng niềm vui tuổi già cho mình, còn có thể đóng góp ra sao không quá quan trọng.Chính bởi thế, từng có vị chỉ trong đúng 1 năm trước và sau khi nghỉ hưu còn được bầu làm Chủ tịch của 3 Liên đoàn- Hiệp hội, mà toàn những tổ chức rất “oách” như Ủy ban Olympic Việt Nam, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Liên đoàn Vovinam Việt Nam.
Hoạt động kiểu…hưu trí
Có thể thấy một số ít các vị Chủ tịch là quan chức nghỉ hưu vẫn thể hiện được năng lực, tinh thần trách nhiệm cao nhất, chí ít cũng ở dấu ấn thường xuyên với các hoạt động lớn của Liên đoàn – Hiệp hội. Thế nhưng, đánh giá một cách thẳng thắn, hầu hết các vị Chủ tịch này đều chỉ “đánh trống ghi tên” trong cả 5 năm, cho tới khi có thể lại được bầu làm thêm một nhiệm kỳ nữa vì nhiều lý do khác nhau.
Người ta chỉ thấy sự xuất hiện của Chủ tịch một vài lần mỗi năm để chủ trì hội nghị tổng kết vào cuối năm hay phát biểu khai mạc, bế mạc và trao thưởng tại một vài giải đấu. Nếu Liên đoàn – Hiệp hội hay môn thể thao mà vị Chủ tịch “cầm chịch” có vấn đề gì, nhất là những vụ làm xùm, người ta cũng mặc nhiên phải coi ông gần như vô can bởi ông đã... “nghỉ hưu và có làm gì đâu”. Mọi chuyện đổ hết cả lên đầu ông Tổng thư ký vốn thường do cán bộ của ngành thể thao kiêm nhiệm.
Điều này đã diễn ra như một “điệp khúc” buồn ở nhiều Liên đoàn- Hiệp hội, từ quần vợt, bóng bàn cho tới vovinam, võ thuật cổ truyền, taekwondo.
Vỡ mộng vì đâu?
Rõ ràng các Liên đoàn- Hiệp hội đều đang gặp khó trong việc tìm kiếm, phát huy vai trò, hiệu quả của vị Chủ tịch, thậm chí có trường hợp còn phải hoãn tổ chức Đại hội nhiệm kỳ mới cũng vì bài toán nhân sự VIP này.
Dù có nhiều nguyên nhân song ngay từ bước chuẩn bị, cho tới thực tế mờ nhạt của hầu hết các Chủ tịch đều gắn với cách tiếp cận lệch ngay từ gốc của ngành thể thao, cũng như từng môn: Mời chọn Chủ tịch theo tên, mang tính cá nhân. Đích mà các Liên đoàn này luôn nhắm tới là vị Thứ trưởng này, hay doanh nhân kia, và càng “oách” càng “nổi” càng tốt. Nó mang tính cá nhân cụ thể chứ không đáp ứng được tiêu chí quyết định nhất: Gương mặt ấy có phù hợp hay có thể làm gì cho tổ chức, cho môn mình làm Chủ tịch. Nhiều Liên đoàn- Hiệp hội đã chỉ “xây dựng” nên Chủ tịch của mình ở một góc hẹp, chỉ cốt để tận dụng vị thế, tầm ảnh hưởng, hình ảnh của cá nhân vị Chủ tịch chứ không phải hành động.
Rất bi hài vì nhiều vị Chủ tịch trước khi đảm trách vị trí yếu nhân số 1 của Liên đoàn- Hiệp hội từng có bất cứ kinh nghiệm hay sự liên quan gì đến lĩnh vực thể thao, hay môn mình sẽ gánh vác sự phát triển trong ít nhất 5 năm. Điều đáng nói, yếu tố ứng viên được mời có thể sắp về hưu, nghỉ công tác, hay thậm chí đã nghỉ cũng không được tính đến.
Cả người mời lẫn người nhận đều gặp nhau ở một điểm duy nhất, khi đều coi Chủ tịch như một vị trí “hữu danh” là chính. Vị Chủ tịch nhiều khi cũng chỉ vì có quan hệ, quá nể lời mời hay đơn giản đam mê mà nhận lời “đứng ra làm Chủ tịch. Còn ngành thể thao, trực tiếp là các Bộ môn, mời được vị Chủ tịch VIP cũng coi như hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Các vị Chủ tịch đa phần đều chỉ coi việc bên Liên đoàn- Hiệp hội chỉ là để giúp thể thao, chứ không phải một nhiệm vụ hay trách nhiệm, trong khi phía thể thao thực chất cũng chưa bao giờ đòi hỏi Chủ tịch phải như thế nào. Mọi chuyên đều hoàn toàn phụ thuộc vào thời gian, điều kiện, khả năng, hay sự quan tâm của vị Chủ tịch, đúng nghĩa được chăng hay chớ.
Và rốt cuộc nhiều Liên đoàn- Hiệp hội đều đã từng phải vỡ mộng với Chủ tịch của mình, đành phải ngậm đắng nuốt cay vì không biết trách ai. Một vị quan chức vừa được bầu làm Chủ tịch bất ngờ chuyển công tác, hay chỉ sau một thời gian ngắn nghỉ hưu, cũng gần coi như Liên đoàn- Hiệp hội mất Chủ tịch. Một doanh nhân làm Chủ tịch tưởng như rất thuận lợi để tạo nguồn kinh phí cho Liên đoàn- Hiệp hội song thực tế khác hẳn. Vị Chủ tịch doanh nhân không thể lấy tiền của doanh nghiệp mình để tài trợ hay hỗ trợ cho LĐ-HH, hay môn mình đang giữ trọng trách, hay nếu có chỉ nhỏ giọt…
Các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao quốc gia đang thiếu hẳn một cơ chế hay môi trường để tìm kiếm những người phù hợp cho chức danh Chủ tịch, và quan trọng hơn phát huy được cao nhất tâm huyết, năng lực của họ.