Một nghiên cứu mới tại Trung Quốc đã chỉ ra rằng các bức tranh và đồ tạo tác trong hang động ở thành phố Đôn Hoàng và thị trấn Trương Dịch, đặc biệt là những bức tranh trong hang động Mạc Cao, vốn được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới, đang bị mưa lớn tàn phá.
Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc, Học viện Nghiên cứu Đôn Hoàng và tổ chức Greenpeace đã tìm cách đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các bức tranh trong hang Mạc Cao.
Kết hợp phân tích dữ liệu khí tượng, quan sát tại chỗ và đánh giá chuyên sâu về các bức tranh và hiện vật trong hang động, nhóm nghiên cứu muốn làm sáng tỏ tình trạng xuống cấp của các di tích văn hóa này, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu nỗ lực bảo tồn.
“Đây là một thực tế đau lòng về tác động của biến đổi khí hậu", ông Li Zhao, một tác giả đóng góp và là nhà nghiên cứu của Greenpeace, cho biết. “Mặc dù chúng tôi vẫn đang nghiên cứu và bảo tồn những di tích này, nhưng chúng đang tan biến ngay trước mắt chúng tôi.”
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy sự gia tăng của các đợt mưa cực lớn, dẫn đến độ ẩm cao, lũ lụt và rò rỉ nước, làm hỏng các bức tranh trong hang động.
Kể từ năm 2000, tổng lượng mưa ở Cam Túc đã tăng lên, trong khi số ngày mưa trên thực tế lại giảm đi. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng rõ rệt trong các đợt mưa cực đoan trong khu vực.
Tại Đôn Hoàng, một trung tâm thương mại và văn hóa quan trọng dọc theo con đường tơ lụa cổ đại, đã có sự gia tăng đáng kể số ngày có lượng mưa lớn ngắn. Trong các hang động ở nơi đây, tình trạng ẩm ướt đã gây ra những mức độ hư hại khác nhau cho những bức tranh cổ có tuổi đời hàng thế kỷ.
Các nhà nghiên cứu cho biết, tình trạng thời tiết cực đoan đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình kết tinh, tách lớp và tích tụ muối trên bề mặt tranh tường. Quá trình này cuối cùng dẫn đến tình trạng bong tróc và tách rời các mảng vữa.
Wang Tingyu, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Đôn Hoàng, nhấn mạnh rằng nguy cơ thiệt hại đối với di sản văn hóa của Cam Túc đã leo thang trong những năm gần đây do tần suất các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng tăng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các đợt lũ quét hoặc lở đất đã có tác động trực tiếp và tàn phá đến Hang động Mạc Cao, bao gồm cả trận lở đất nghiêm trọng vào năm 2012. Ngoài việc làm tăng nguy cơ lũ lụt, mưa lớn còn dẫn đến sự tích tụ nước trên các sườn đồi, làm tăng nguy cơ sập hang.
Trong 70 năm qua, Trung Quốc đã ghi nhận nhiệt độ tăng nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.
Năm 2022, nước này đã trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục, dẫn đến mất điện, cháy rừng và gây gián đoạn hoạt động nông nghiệp.
Các trường hợp di tích lịch sử và văn hóa bị hủy hoại do mưa lớn cũng tăng lên trong những năm gần đây. Vào năm 2021, ít nhất 1.763 địa điểm văn hóa ở phía bắc tỉnh Sơn Tây đã bị tàn phá bởi lượng mưa chưa từng có.
Để giải quyết các mối đe dọa khí hậu đối với các hiện vật lịch sử, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường nghiên cứu và đầu tư vào các biện pháp giám sát và phục hồi môi trường trong những năm gần đây.
Vào tháng 1, Cục Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia đã khởi động một giai đoạn mới của cuộc khảo sát di sản văn hóa quốc gia để có được sự hiểu biết toàn diện về tất cả các địa điểm văn hóa, bao gồm cả điều kiện môi trường của chúng, trong vòng 3 đến 4 năm tới.
Từ năm 2013, Học viện Nghiên cứu Đôn Hoàng đã phát triển một hệ thống giám sát môi trường kỹ thuật số cho Hang động Mạc Cao. Hệ thống này được thiết kế để cung cấp dữ liệu thời gian thực về các thông số quan trọng như nhiệt độ, độ ẩm và nồng độ carbon dioxide trong hang động.
“Cần có những nỗ lực lâu dài, nhất quán để bảo vệ những cổ vật, bao gồm cả việc hiểu rõ tình trạng của chúng và bảo tồn chúng một cách khoa học", chuyên gia Li Zhao từ tổ chức Greenpeace cho biết.