Mặc dù tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em đã giảm trên toàn cầu trong vài thập kỷ qua, nhưng lại có xu hướng gia tăng kể từ năm 2015, một phần do nhiệt độ ấm lên và thời tiết khắc nghiệt ở các nước đang phát triển.
Liên Hợp Quốc cho biết 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng bởi tình trạng thấp còi vào năm 2019 do suy dinh dưỡng mãn tính, với hơn 47 triệu trẻ bị suy kiệt do lượng chất dinh dưỡng thấp.
Các chuyên gia lo ngại rằng sự suy giảm các chất dinh dưỡng thiết yếu ở một số khu vực ngày càng tăng sẽ thách thức khả năng của nhân loại trong việc cung cấp đủ thức ăn cho 10 tỷ người vào giữa thế kỷ này.
Một nhóm các nhà nghiên cứu do Đại học Vermont (Mỹ) dẫn đầu đã khả sát sự đa dạng về chế độ ăn uống của hơn 100.000 trẻ dưới 5 tuổi ở 19 quốc gia có thu nhập thấp trên khắp châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.
Sau đó, họ kết hợp với dữ liệu nhiệt độ và lượng mưa trong 30 năm. Kết quả chỉ ra rằng nhiệt độ cao có liên quan đến việc suy giảm chất lượng chế độ ăn uống ở 5 trong số 6 khu vực được nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể làm lùi bước tiến bộ vượt bậc của thế giới đối với sự phát triển của trẻ em.
Phó giáo sư Meredith Niles tại Đại học Vermont, cho biết: “Từ lâu biến đổi khi hậu đã được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến tình trạng suy dinh dưỡng, nhưng chúng tôi vẫn ngạc nhiên trước tác động thực tế".
Tác động sâu sắc
Nghiên cứu đã xem xét cụ thể sự đa dạng của chế độ ăn uống - một số liệu của Liên Hợp Quốc đo lường sự đa dạng của chế độ ăn uống và lượng vi chất dinh dưỡng.
Các vi chất dinh dưỡng như sắt, axit folic và kẽm, cũng như vitamin A và D, rất cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí não ở trẻ em.
Ô nhiễm carbon gia tăng đã được chứng minh là làm giảm mức độ của các vi chất dinh dưỡng thiết yếu này trong nhiều loại cây trồng chủ lực, bao gồm lúa mì, gạo và các loại đậu.
Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ ấm lên và các kiểu thời tiết thất thường có thể có "tác động sâu sắc trong ngắn hạn và dài hạn đến sự đa dạng trong chế độ ăn của trẻ em".
Nhiệt độ cao hơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của các loại cây trồng quan trọng trên toàn cầu và làm giảm năng suất chăn nuôi, cả hai đều ảnh hưởng đến lượng dinh dưỡng của trẻ em.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai trong những đợt nắng nóng thường sinh con với tỷ lệ sinh thấp hơn mức trung bình, khiến trẻ có nguy cơ thấp còi.
Nhóm nghiên cứu kêu gọi các chính phủ đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch cải thiện chế độ ăn cho những trẻ em dễ bị tổn thương nhất.
"Suy thoái môi trường tiếp tục có khả năng làm suy yếu những thành tựu ấn tượng về sức khỏe toàn cầu trong 50 năm qua", Taylor Ricketts, Giám đốc Viện Môi trường Gund của Đại học Vermont, cho biết.