Tôi ở đó cùng 8 nhà báo nữa từ Đông Nam Á và châu Đại dương. Tất cả cùng quan tâm đến TPP và Biển Đông.
Nhưng Hiebert mở đầu câu chuyện bằng nụ cười lịch thiệp. “Tôi phải nói rằng tôi sẽ không thể bàn về những gì xảy ra nếu Trump thắng cử” - ông tuyên bố luôn - “Vì tôi không có ý niệm gì về điều đó cả”.
Phần sau của cuộc trò chuyện, về tương lai của khu vực cùng “tổng thống Hillary Clinton”, tất nhiên không còn giá trị gì ở thời điểm này.
Có lẽ nhiều người như Hiebert, từ chối dự đoán về nhiệm kỳ của Trump. Nhiều người hiểu, rằng 4 năm tới, sẽ là những ngày tháng khó lường với cả nước Mỹ lẫn thế giới. Không ai biết được điều gì sẽ xảy ra khi tỷ phú bất động sản bước vào phòng Bầu dục.
Cách nghĩ của Trump rất khác biệt. Hôm qua, trong diễn văn nhậm chức, một lần nữa Tổng thống Mỹ lại thể hiện điều đó. Kể từ thời Bush cha, hơn 30 năm qua, trong bất kỳ một cuộc chuyển giao quyền lực nào, diễn văn nhậm chức của tân tổng thống đều có câu: “Tôi cảm ơn tổng thống [tiền nhiệm] vì đã phụng sự tổ quốc của chúng ta”. Hai tổng thống Bush đã nói vậy, Clinton đã nói vậy, và Obama cũng nói vậy khi tiếp quản Nhà Trắng từ người tiền nhiệm. Nhưng Trump thì không.
Ông chỉ cảm ơn vợ chồng ông Obama vì đã giúp đỡ chuyển giao quyền lực. Ông không cảm ơn Obama vì công sức của cựu tổng thống trong 8 năm trước đó. Thậm chí là toàn bộ bài diễn văn, gợi cho người ta một cuộc tổng công kích những người tiền nhiệm.
“Chúng ta sẽ không chấp nhận những chính trị gia chỉ nói mà không hành động, liên tục phàn nàn nhưng không bao giờ làm gì để giải quyết” - Trump nói. Đám đông vỗ tay. Nhưng Obama, ngồi cách đó vài mét, thì chắp hai tay để trên đùi, hai ngón cái đập vào nhau một cách gượng gạo. Đó là lời công kích trực tiếp.
Trump dị biệt. Nhưng ông không cô đơn. Nhiều người Mỹ nghĩ như ông. Hôm qua, phóng viên Reuters tường thuật rằng có nhiều người dự lễ nhậm chức tại Washington, DC đã sốc khi biết cái mũ đỏ ghi dòng chữ “Make America Great Again” của họ được sản xuất ở Việt Nam, Trung Quốc hay Bangladesh chứ không phải ở Mỹ. Họ cảm thấy xấu hổ.
Đó là điều rất bình thường. Hàng may mặc Mỹ sản xuất ở Việt Nam, Trung Quốc thì có gì mà ngạc nhiên. Nhưng Trump đã nói sẽ chỉ dùng hàng Mỹ và thuê người Mỹ kia mà? Không. Cái thực tế bình thường ấy bây giờ dưới thời Donald Trump đã trở nên bất thường. Họ sẽ xét lại quá khứ. Họ sẽ xét lại toàn bộ cái trật tự cũ kỹ của cả Mỹ và thế giới, và sẽ làm điều đó một cách quyết liệt.
Ngày 7/11 năm ngoái, tôi đứng cách Trump 20 mét trong cuộc diễn thuyết của ông - nửa ngày trước khi bầu cử bắt đầu. Có một lúc, tôi đã đưa cánh tay mình lên nhìn. Tôi nổi da gà: cái cách mà nhà tài phiệt nói chuyện với đám đông, khiến cả những người không liên quan thấy chấn động. Tôi nổi da gà, khi nghe ông bắt nhịp: “Hãy cùng làm nước Mỹ...”, rồi đám đông ở dưới, đồng thanh hô lên: “... vĩ đại lần nữa”. Họ gần như kích động. Họ khao khát sự thay đổi. Họ muốn làm điều đó ngay ngày mai. Và họ đã làm.
Trong khán phòng đó, tôi nhìn thấy người châu Á, người Latin, thấy cờ của người đồng tính. Tôi thấy một phụ nữ cụt một tay, viết lên tấm băng gạc quấn quanh phần còn lại của tay trái, đại ý: Cụt cũng bầu Trump.
Và sự quyết liệt ấy, không chỉ của Trump, mà của những người Mỹ tin tưởng ông, sẽ khiến thế giới thay đổi theo hướng không ai lường hết.
Từ hôm nay, với rất nhiều người Mỹ, dưới sự dẫn dắt của tân tổng thống, một món đồ gia công tại Việt Nam, Trung Quốc, Mexico hay bất kỳ đâu ngoài nước Mỹ có thể trở thành một “vấn đề”. Và Murray Hiebert, trong buổi sáng DC hôm ấy, dù từ chối bàn về Trump, vẫn nói với chúng tôi: “Dù ai được bầu, thì TPP cũng trở thành chuyện hoang đường”.
Từ hôm nay, sự trông ngóng bàn tay duy trì trật tự và an ninh lớn nhất thế giới có thể là ảo ảnh. Ông trùm bất động sản có cử an ninh đến giúp một tòa nhà nếu khách thuê không trả tiền?
Từ hôm nay, nhiều quốc gia sẽ phải đặt nước Mỹ là một biến số X, và tính toán nhiều hơn, dựa vào hằng số nội lực của riêng mình.