Cần sớm xây dựng hệ thống dữ liệu về Giáo dục, Y tế
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an gợi mở, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thành dữ liệu về học bạ trong tháng 3 tới. Từ đó, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sớm nghiên cứu, đề xuất phương án để có hệ thống dữ liệu về giáo dục của Thủ đô.
Lãnh đạo ngành Công an lưu ý các sở, ngành cần tiếp tục bám sát những nhiệm vụ đã được UBND TP Hà Nội, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như các bộ, ngành đưa ra trong các cuộc họp, kế hoạch để thực hiện hiệu quả; cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra.
Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế hoan nghênh Hà Nội đã nỗ lực, khẩn trương triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử. Với dữ liệu tiêm chủng, Thứ trưởng đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng khẩn trương triển khai.
Về việc này, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị phải triển khai quyết tâm, quyết liệt, lưu ý các đơn vị đồng bộ hóa phần mềm đối với các bệnh viện để “khi dữ liệu đẩy lên phải liêm thông”.
Với dữ liệu thuộc các cơ sở y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lưu ý, cần có giải pháp để lưu trữ; các đơn vị cần cố gắng có hướng dẫn, sớm có cơ sở dữ liệu toàn bộ về y tế, để giúp người dân quản lý sức khỏe của mình, tiết giảm chi phí khám chữa bệnh.
Thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử với 72 trường thông tin
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 06 Thành phố) cho biết, hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử TP Hà Nội đang triển khai đúng tiến độ, với 72 trường thông tin và thực hiện thí điểm từ ngày 9/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng nêu những khó khăn vướng mắc như: Chưa có quy định pháp lý cụ thể liên quan đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử Thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm; việc khởi tạo dữ liệu ban đầu trên ứng dụng VNeID còn gặp nhiều khó khăn; trang thiết bị kỹ thuật và hạ tầng đường truyền tại một số cơ sở y tế còn thiếu và yếu.
Từ đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ cung cấp thông tin về người dân tham gia bảo hiểm, khám chữa bệnh bằng bảo hiểm; Bộ Y tế hỗ trợ cung cấp thông tin về người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên địa bàn Thành phố để làm đủ, giàu dữ liệu.
TP Hà Nội cũng kiến nghị lên Tổ công tác về cách thức kết nối, hiển thị thông tin sức khỏe người dân trên ứng dụng VNeID khi Hệ thống Thành phố đảm bảo đủ điều kiện về kỹ thuật để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, song song quá trình phê duyệt Hồ sơ cấp độ 3 về An toàn thông tin theo Quy định.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hỗ trợ Thành phố triển khai, kết nối hệ thống Hồ sơ sức khỏe Thành phố vào mạng truyền dữ liệu chuyên dụng CPNET và triển khai tích hợp trao đổi dữ liệu giữa Hồ sơ sức khỏe Thành phố với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, bảo hiểm xã hội qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
5.247 tổ công tác tuyên truyền về tài khoản an sinh xã hội đã hoạt động hiệu quả
Liên quan đến việc triển khai đề án chi trả không dùng tiền mặt với các trường hợp hưởng an sinh xã hội (ASXH) tại Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết, UBND TP Hà Nội đã phát động tháng cao điểm về việc tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt, đặc biệt tập trung thực hiện chi trả chính sách ASXH trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Các đơn vị bám sát quy trình 5 bước để thực hiện quyết liệt, hỗ trợ người dân tối đa, thuận lợi nhất. Hiện, Hà Nội có 291.301 người đang hưởng ưu đãi ASXH hàng tháng gồm: Bảo trợ xã hội: 203.933 người; người có công: 80.787 người; đối tượng khác: 6.581 người.
Trong tổng số 291.301 người đang hưởng trợ cấp có: 671 trường hợp là trẻ em dưới 16 tuổi; 95.200 người khuyết tật đặc biệt nặng; số còn lại đa phần là người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên. Số người đã có tài khoản (tính đến trước ngày 7/1/2024): 38.244/291.301 (đạt tỷ lệ 13,13%). Số người được chi trả qua tài khoản: 17.718/38.244 (đạt tỷ lệ 46,3% tổng số người đã có tài khoản); kinh phí thực hiện chi trả qua tài khoản: 39.628 triệu đồng.
Số người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội hàng tháng cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn mở tài khoản ngân hàng phục vụ chi trả an sinh xã hội: 253.057 người (trung bình 437 người/đơn vị cấp xã).
Từ những kết quả đạt được ban đầu, Công an TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao để triển khai có hiệu quả phương án thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân hưởng ưu đãi ASXH Trong đó, Công an Thành phố đã chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã tham mưu Tổ công tác 06 cùng cấp tập trung chỉ đạo thực hiện cao điểm tuyên truyền về việc cấp, sử dụng tài khoản phục vụ chi trả không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện được hưởng chính sách ASXH.
Hiện nay, lực lượng Công an cấp xã đang tiến hành rà soát các trường hợp hưởng ưu đãi ASXH và phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức mở tài khoản ngân hàng cho người dân (dự kiến trong 2 - 3 ngày làm việc).
Hà Nội cũng đã thành lập các nhóm Zalo các cấp (thành phố, quận, huyện, xã phường) trao đổi hướng dẫn các quận, huyện, thị xã cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đối tượng hưởng chính sách ASXH để kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo tiến độ của Đề án 06.
30/30 quận, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo, rà soát, triển khai thực hiện thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách, phân loại đối tượng, gửi danh sách về UBND các xã, phường, thị trấn; các xã, phường, thị trấn bàn giao danh sách cho Công an cấp xã.
Đồng thời, Sở LĐ, TB&XH đã gửi danh sách theo nhóm đối tượng, đơn vị quản lý sang Công an Thành phố (qua zalo) để phối hợp chỉ đạo; yêu cầu các quận, huyện, thị xã căn cứ nhu cầu đăng ký của công dân theo mẫu rà soát, nhằm phân loại nhanh đối tượng theo 4 nhóm để phối hợp với lực lượng công an, tổ công tác Đề án 06 các cấp triển khai thực hiện hiệu quả.
Theo báo cáo khảo sát nhanh của 29/30 quận, huyện, thị xã, đến nay có 43.175 người bất khả kháng không đăng ký được tài khoản an sinh; dự kiến Thành phố có khoảng hơn 45.000 người bất khả kháng không đăng ký được tài khoản an sinh, chiếm 15,5% số người hưởng trợ cấp.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cũng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội, các ngân hàng, các dịch vụ trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích phát huy vai trò “cánh tay nối dài” của chính quyền thực hiện mở tài khoản cho người dân và thực hiện chi trả ưu đãi an sinh xã hội cho người dân theo hình thức người dân yêu cầu (trực tiếp qua tài khoản, rút tiền tại các bưu cục, trụ sở nhà văn hóa hoặc đến tận nhà người dân).
Các ngân hàng, chi nhánh và đơn vị trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính công ích đã chuẩn bị nguồn nhân lực, thiết bị mở tài khoản sẵn sàng phối hợp triển khai theo phương án của Thành phố.