Ngày 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể. Tổng chủ biên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình được xây dựng theo phương pháp đi từ xác định chuẩn đầu ra về nhu cầu phát triển của đất nước, nhu cầu nhân lực... để xác định nội dung, phương pháp giảng dạy.
Mục tiêu về phẩm chất và năng lực của học sinh
Chương trình tổng thể hướng tới giúp học sinh hình thành và phát triển 6 phẩm chất: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm. Các năng lực được đặt ra cho người học ở chương trình mới gồm: tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo.
"Các nước phương Tây thường chỉ đề cập đến năng lực của học sinh trong chương trình giáo dục mà không có phẩm chất. Tuy nhiên, nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Chính phủ đều xác định phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Điều này phù hợp với truyền thống đất nước ta", GS Thuyết nói.
Cho phép các trường sắp xếp thời gian học từng môn
Điểm mới của dự thảo chương trình là không quy định thứ tự tuần học cho từng môn mà chỉ quy định số tiết mỗi môn cần đạt trong năm. Thời gian học sẽ do từng trường sắp xếp.
Chương trình mới không đóng khung trong một bộ sách giáo khoa mà áp dụng chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách". Trong thời lượng của chương trình cũng dành 2 tuần một năm cho nội dung giáo dục của địa phương. "Chương trình giữ tính ổn định, nhưng vẫn sẽ có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn", GS Thuyết nói.
Hệ thống các môn học của dự thảo chương trình mới gồm môn học bắt buộc, môn bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.
Có thể dạy Ngoại ngữ từ lớp 1
Ở bậc tiểu học, học sinh phải học bắt buộc 8 môn gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ. Các môn học bắt buộc có phân hóa gồm: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, học sinh còn có hoạt động tự học có hướng dẫn.
"Môn Ngoại ngữ 1 học sinh sẽ bắt đầu học từ năm lớp 3 nhưng địa phương nào có điều kiện, có thể dạy từ lớp 1 và không quá 70 tiết một năm để tránh quá tải cho học sinh", tổng chủ biên Thuyết nói. Môn Giáo dục thể chất sẽ được tổ chức thành các câu lạc bộ thể thao. Học sinh có thể tự chọn môn thể thao yêu thích nào để theo học, thay vì phải học tất cả các môn như trước đây.
Chương trình mới cũng quy định, học sinh tiểu học học 2 buổi một ngày nhưng không quá 7 tiết.
Ở bậc trung học cơ sở, số môn học giảm xuống còn 6 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Trong môn học bắt buộc có phân hóa, ngoài Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học sinh bắt đầu được hướng nghiệp với môn Công nghệ và hướng nghiệp.
Ở trung học phổ thông, lớp 10 được xác định là lớp dự hướng nghề nghiệp. Do đó, nội dung bắt buộc sẽ có thêm môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, chủ yếu giới thiệu kiến thức về kinh tế, pháp luật để học sinh định hướng công việc cho mình.
Ở lớp 11-12, học sinh học bắt buộc 6 môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. 3 môn cuối trong số này đều học thực hành nên theo GS Thuyết, sẽ không gây quá tải hay áp lực cho học sinh. Các em được chọn 3 môn và một chuyên đề học tập trong các môn tự chọn bắt buộc gồm: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập.
Sau khi lấy ý kiến dư luận và có chỉnh sửa phù hợp, bắt đầu từ 2018 chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới sẽ được triển khai trong cả nước, cho học sinh từ lớp 1. "Chương trình là quy định của Nhà nước về giáo dục phổ thông nhưng cũng là cam kết của nhà nước về chất lượng giáo dục nói chung và của từng cơ sở giáo dục nói riêng", GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.