Bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cực kỳ lớn này được phát hiện tại nhà ông Cornelius Gurlitt, con trai của Hildebrand Gurlitt, một nhà sưu tập nghệ thuật từng làm việc với Đức quốc xã. Giới chuyên gia tin rằng phần lớn các bức tranh, tượng điêu khắc này - bao gồm tác phẩm của các nghệ sỹ nổi tiếng như Claude Monet, Pablo Picasso và August Rodin - bị Đức quốc xã cướp bóc từ các nhà sưu tập người Do Thái.
Trong tuần trước, hơn 400 tác phẩm nghệ thuật trong số mới được phát hiện ra đã được đem ra trưng bày trong một cuộc triển lãm tổ chức tại Bundeskunsthalle, thành phố Bonn, Đức và bảo tàng Kunstmuseum Bern tại Thụy Sỹ. Được trưng bày bên cạnh các bức ảnh lịch sử cùng tài liệu khác, các tác phẩm trên đã phản ánh lại một thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Đức.
"Chúng tôi đưa ra hướng tiếp cận lịch sử, lịch sử nghệ thuật và cả đạo đức đối với các tác phẩm này" - ông Rein Wolfs, người tổ chức triển lãm tại thành phố Bonn, nói.
"Hệ thống chuyên cuớp bóc các tác phẩm nghệ thuật của Đức quốc xã từng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với trùm phát xít Hitler. Tác phẩm nghệ thuật mang ý nghĩa trường tồn. Dù điều gì xảy ra trong lịch sử, thì nghệ thuật vẫn tồn tại" - vị chuyên gia cho biết thêm.
Nguồn gốc mơ hồ
Trong khoảng thời gian từ 1930 đến 1940 thế kỷ trước, đã có hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật có giá trị bị Đức quốc xã cướp từ các gia đình người Do Thái, hoặc đem bán các tác phẩm mà chúng tìm thấy từ nhà ở của các chủ sở hữu đã quá sợ hãi chiến sự mà bỏ trốn khỏi đất nước.
Một số nhà nghiên cứu, được chính phủ Đức rót nguồn kinh phí, đã làm việc trong suốt nhiều năm qua để lần ra nguồn gốc của hàng trăm tác phẩm nghệ thuật được phát hiện trong khu nhà bỏ hoang của gia đình Gurlitt. Nhưng do có nhiều tác phẩm trong số này từng bị bán mà không có bất cứ giấy tờ nào, văn bản thuế hay xuất khẩu, nên nguồn gốc của chúng đến giờ vẫn chưa rõ.
"Những người bán chúng đã tạo ra nhiều mánh khóe để che giấu nguồn gốc các tác phẩm" - Andrea Baresel-Brand, người dẫn đầu dự án tìm nguồn gốc số tác phẩm trên, cho hay - "Những tay thương nhân như Gurlitt đã tìm cách che đậy nguồn gốc của số tác phẩm này một cách cẩn trọng".
Bà Baresel-Brand cùng đội ngũ chuyên gia của mình đã bắt đầu công tác nghiên cứu nguồn gốc đối với 735 tác phẩm tìm thấy trong nhà của Gurlitt, và vẫn còn hàng trăm tác phẩm khác chờ được họ lần ra nguồn gốc. Ông Wolfs hy vọng rằng các cuộc triển lãm mà ông tổ chức vừa qua sẽ giúp những người chủ sở hữu trước đây của số tác phẩm này lên tiếng.
Cảm giác hạnh phúc
Vào năm 2013, một số hãng tin quốc tế đã có cuộc phỏng vấn với Ekkehart, một người họ hàng của Cornelius Gurlitt. Trong cuộc phỏng vấn này, Ekkehart đã mô tả Cornelius như một "gã cao bồi cô độc". Ông khẳng định rằng gia đình Gurlitt không hề biết về giá trị khổng lồ của số tranh và tượng điêu khắc mà Cornelius đã giấu trong căn hộ của mình.
Ngay cả chính chính quyền Đức cũng không hề biết gì về số tác phẩm nghệ thuật này, mãi cho đến khi họ tới khu căn hộ của Gurlitt để điều tra về cáo buộc trốn thuế hồi đầu năm 2012.
Trước khi người ta phát hiện ra bộ sưu tập trên, rất nhiều tác phẩm có khả năng đã bị mất tích hoặc bị hư hại, trong khi nhiều tác phẩm khác hoàn toàn chưa được biết đến đối với giới nghệ thuật. Giới chuyên gia thời điểm đó nói rằng bộ sưu tập nghệ thuật "quá giá trị đến nỗi không thể ước tính nổi giá trị".
Bộ sưu tập nghệ thuật trên đã bị thu giữ, nhưng các tác phẩm không thuộc diện bị cho là đồ đánh cắp sau đó đã được trả cho gia đình Gurlitt. Chỉ một tháng sau đó, Cornelius Gurlitt qua đời, để lại các tác phẩm nghệ thuật giá trị này cho bảo tàng Kunstmuseum Bern của Thụy Sỹ.
"Khi đứng trước các tác phẩm vốn bị coi là đã mất tích, bị hư hại trong điều kiện tốt đến như vậy, cho người ta cảm giác hạnh phúc khó tả" - nhà sử học nghệ thuật Meike Hoffmann nhận xét khi lần đầu tiên bộ sưu tập nghệ thuật trên được phát hiện.
Nhưng giờ đây, khi các tác phẩm được đem ra trưng bày lần đầu tiên trước công chúng, không chỉ giới sử học mà ngay cả những thường dân cũng có thể trải nghiệm cảm giác này.