Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho hay, Bộ Y đề nghị các địa phương không tiếp tục áp dụng biện pháp trên. Việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng.
PGS nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đồng tình với khuyến cáo của Bộ Y tế. Ông cho rằng việc phun khử khuẩn ngoài trời ở một số nơi thời gian qua do các địa phương không dựa trên cơ sở khoa học. Bởi ở góc độ chuyên môn, từ nhiều năm trước Bộ Y tế đã khuyến cáo các hóa chất như Cloramin B chỉ dùng để lau các bề mặt và phun trong phạm vi hẹp.
Chung quan điểm nêu trên, PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cũng nói rằng ông đã nhiều lần khuyến cáo không cần phun hóa chất ngoài trời, trên đường...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, những nơi như đường phố, vỉa hè không phải là nơi chứa virus SARS-CoV-2. Việc phun hóa chất diệt khuẩn ở ngoài trời không được WHO, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa kỳ) khuyến cáo do kém hiệu quả, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh khu vực phun.
Trong đợt bùng phát Covid-19 lần này, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh và xuất hiện nhiều ổ dịch cùng lúc, một số địa phương đã phun hóa chất diệt khuẩn tại các nơi công cộng. Phạm vi khử khuẩn là trong nhà của bệnh nhân và các khu vực liền kề xung quanh. Với các bề mặt bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc như bàn, ghế, thành giường, tủ quần áo, tủ lạnh, tay nắm cửa, bồn cầu, vòi nước, tường nhà, cửa sổ, cửa ra vào, nền nhà..., thì lau khử khuẩn.
Trước đó cuối tháng 7/2021, lực lượng chức năng huy động 24 xe đặc chủng và chuyên dụng phun hóa chất tiêu độc, khử khuẩn toàn bộ quận, huyện tại TP HCM. Hóa chất phun xịt là Cloramin B pha với nước theo tỉ lệ 0,5%. Toàn bộ số hóa chất để phun khoảng 6 tấn.
Cách đây hơn một tuần, 15 phương tiện cùng 180 cán bộ, chiến sĩ phun khử khuẩn tại 7, quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.